Đó là đề nghị của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thể thao cho mọi người năm 2023 và xây dựng kế hoạch năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài chủ trì Hội nghị.
Ngày 15/12, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thể thao cho mọi người năm 2023 và xây dựng kế hoạch năm 2024. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Phòng Văn hóa, Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã…
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 42,5%; số gia đình luyện tập TDTT đạt 31,5%; số câu lạc bộ TDTT là 7.665 CLB. Năm 2023, số đơn vị tiên tiến về TDTT cấp Thành phố là 619 đơn vị thuộc khối trường học, xã, phường, thị trấn, lực lượng vũ trang, cơ quan xí nghiệp.
Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ban ngành, các quận huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT phát triển sâu rộng và bền vững, tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận và tham gia các hoạt động TDTT.
Thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND Thành phố ngày 17/02/2022 về xây dựng, lắp đặt các thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời phục vụ Nhân dân giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành lắp đặt và bàn giao 32 điểm mẫu thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời tại 14 quận, huyện. Qua đó, đã góp phần hình thành hệ thống các điểm luyện tập TDTT phủ khắp các quận, huyện, thị xã với 1.312 điểm, gồm 11.148 thiết bị.
Trưởng Phòng Quản lý TDTT Đinh Văn Luyến trình bày báo cáo đánh giá kết quả hoạt động thể thao cho mọi người năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ như: Lớp hướng dẫn viên cứu hộ và lớp hướng dẫn viên người cao tuổi thành phố Hà Nội cho 183 học viên là cán bộ quản lý, người hoạt động trong lĩnh vực TDTT ở cơ sở của 30 quận, huyện, thị xã; lớp tập huấn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thuộc lĩnh vực thể thao trên địa bàn Thành phố cho 150 cán bộ quản lý và đại diện ban chấp hành các liên đoàn, hội thể thao; lớp tập huấn cho người hướng dẫn tập luyện môn thể dục thể hình, Fitness theo hình thức xã hội hóa.
Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng phối hợp với 26/30 quận, huyện, thị xã tổ chức 28 lớp dạy bơi miễn phí cho 4.200 trẻ em với kết quả 100% các em biết bơi. Bằng hình thức xã hội hoá, các quận, huyện, thị xã mở 978 lớp dạy bơi cho 77.677 em với số biết bơi đạt 85,4%.
Hiện nay, Hà Nội có 22 tổ chức xã hội nghề nghiệp lĩnh vực TDTT. Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức này để tổ chức các sự kiện TDTT như phối hợp với Hội Thể thao Hà Nội tổ chức 11 giải thể thao, gồm: Giải Vovinam Hà Nội mở rộng lần thứ 2 năm 2023; Giải võ thuật cổ truyền lần thứ 38 – năm 2023; Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng lần thứ 5; Giải bóng rổ 3 x3 Hà Nội mở rộng lần thứ 4 năm 2023; Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi; Giải bơi người cao tuổi thành phố Hà Nội; Giải cầu lông lãnh đạo thành phố Hà Nội mở rộng; Giải thể thao giải trí thành phố Hà Nội; Giải bơi chải thuyền Rồng Hà Nội mở rộng; Giải Golf Hà Nội mở rộng; Giải võ Thiên môn đạo Hà Nội lần thứ III năm 2023.
Trong năm qua, Thành phố đã tổ chức 47 giải thể thao quần chúng, trong đó tiêu biểu có các giải thu hút đông vận động viên tham gia như: Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống Hà Nội mừng Xuân Quý Mão năm 2023; Giải bóng chuyền hơi Phụ nữ Thủ đô; Giải bóng rổ 3×3; Giải thể thao giải trí Hà Nội năm 2023; Hội thi thể thao dân tộc thiểu số Hà Nội năm 2023; Giải thi đấu 12 môn thể thao hè thành phố Hà Nội; Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48-Vì hòa bình năm 2023; Giải thể thao công nhân các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố.
Đặc biệt, công tác xã hội hoá TDTT được đẩy mạnh. Tính riêng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô, trên địa bàn Thành phố đã diễn ra 9 sự kiện lớn về TDTT do các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các sở, ngành tổ chức, thu hút trên 83.500 người tham gia (trong đó ¼ là người nước ngoài), như: Giải chạy Tekombank, Vpbank; Đường chạy di sản Hà Nội; Giải chạy VnExpress; Giải chạy Long Biên mở rộng; Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48 – Vì hoà bình; Giải đua thuyền Hà Nội mở rộng; Giải Bi-a Hà Nội mở rộng; Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng.
Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công 7 môn thể thao học sinh năm học 2022-2023 thu hút trên 5.000 học sinh tham gia.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức 788 các giải đấu, trong đó nhiều đơn vị chú trọng khai thác các môn thể thao dân tộc như đấu vật, kéo co, cờ tướng, võ cổ truyền, biểu diễn lân sư rồng, bắn nỏ… thu hút hàng ngàn lượt người tham gia thi đấu và cổ vũ.
Từ các giải đấu được tổ chức, Hà Nội đã thành lập các đội tuyển thể thao tham gia 4 giải thể thao quần chúng toàn quốc đoạt 36 huy chương các loại, trong đó có 20 HCV, 6 HCB, 10HCĐ các môn Cầu lông, Bóng bàn gia đình, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng trung cao tuổi.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển TDTT của Thủ đô.
Kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định: Năm 2023, TDTT Thủ đô đạt được kết quả quan trọng, các giải đấu tổ chức thành công, an toàn, trọn vẹn. Đã hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng về tỷ lệ số người, số gia đình luyện tập TDTT. Bên cạnh đó, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực TDTT, số Câu lạc bộ TDTT, cơ sở hoạt động TDTT, các công trình TDTT đều tăng và các giải thể thao được tổ chức rộng khắp ở các cấp, các ngành cho thấy sự phát triển không ngừng của phong trào TDTT trên địa bàn Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải đáp một số kiến nghị của các đại biểu liên quan đến công tác TDTT, đồng thời đề nghị năm 2024, trên cơ sở kế hoạch của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, các ngành cần xây dựng kế hoạch hoạt động TDTT cho mọi người của đơn vị mình. Thời gian tới, các đơn vị cần quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho phát triển TDTT; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT; thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo môi trường, động viên tinh thần, khuyến khích người dân tích cực luyện tập TDTT; lựa chọn các môn thể thao phù hợp, dễ luyện tập, các môn truyền thống, có thế mạnh của địa phương để phát triển phong trào; chú trọng công tác phổ cập bơi và cứu đuối; tăng số lượng các giải thi đấu…
Hà Phương