Lễ hội

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức lễ hội trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý

Tại Kế hoạch Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2020, Sở Văn hoá và Thể thao đã nêu rõ cần huy động sự vào cuộc của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội ở địa phương.

Với mục địch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong sinh hoạt lễ hội, đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở VHTT đã ban hành kế hoạch Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2020.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết.

Đối với các lễ hội tiêu biểu, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết các hoạt động diễn ra tại lễ hội. Ảnh minh hoạ: Internet.

Theo đó, về công tác chỉ đạo, Kế hoạch nêu rõ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội ở địa phương.
Đối với các địa phương có lễ hội lớn, khi tổ chức phải xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết; thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội với đầy đủ các thành phần để chỉ đạo, quản lý và điều hành phù hợp với quy mô, tính chất của lễ hội.
Các lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, có ý nghĩa.
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức những lễ hội có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các lễ hội diễn ra trên sông nước, đề nghị Ban tổ chức lễ hội có các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho nhân dân tham gia lễ hội.
Về công tác tuyên truyền cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá, tiềm năng di sản văn hóa của thành phố trong tiến trình giao lưu hội nhập quốc tế…
Về công tác quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội diễn ra trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, theo chức năng, nhiệm vụ tham gia vào công tác chỉ đạo và quản lý lễ hội.
Về công tác tổ chức: Một số lễ hội lớn cần tổ chức các lớp tập huấn nhằm quán triệt nội dung quy định của Ban tổ chức, hướng dẫn cho các chủ dịch vụ, bến bãi, chủ xe, chủ xuồng đò có thái độ ứng xử văn minh, tuân thủ các quy định của Ban tổ chức lễ hội, các quy định về an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội, thực hiện việc công khai giá bán các mặt hàng, các phí phục vụ tại lễ hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn; đặt tiền công đức, tiền lễ không đúng quy định.
Kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ,… xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban ngành của thành phố thực hiện việc kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại các quận, huyện, thị xã.
Đối với các lễ hội tiêu biểu, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết các hoạt động diễn ra tại lễ hội; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường gửi về Sở Văn hóa và Thể thao trước khi tổ chức.
Đồng thời, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra của Thành phố khi tiến hành kiểm tra tổ chức lễ hội tại địa phương; Tổng hợp, báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/5/2020.

Kiều Linh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *