Năm 2018, toàn thành phố sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong; năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong. Nghĩ đi nghĩ lại, bà quyết định ngày mai sẽ nghỉ bán hàng dù bà sẽ phải chịu lỗ cả triệu đồng. Tiền là quan trọng nhưng có thứ còn quan trọng hơn. Bà không thể vì mình mà làm ảnh hưởng đến bà con trong ngõ nữa.
Nửa tháng nay, cứ sáng ra là bà Thịnh và bà Lam to tiếng với nhau. Nhà hai bà ở đối diện nhau trong một con ngõ khá rộng rãi, xe ô tô có thể ra vào thoải mái. Hai bà vốn khá thân thiết nhau nên việc hai bà to tiếng khiến làng phố khá bất ngờ. Lời qua tiếng lại hóa ra tại cái bếp than tổ ong. Bà Thịnh mới mở hàng phở. Sáng nào bà cũng dậy sớm, nhóm mấy bếp than tổ ong loại dùng 3 viên than. Bà đặt các bếp ngay trước cửa nhà bà Lam, lại dùng quạt mạnh để mồi bếp nên khói bay lên nhà bà Lam mù mịt. Hàng phở đông khách, mấy chiếc bếp lò thi nhau hoạt động hết công suất, hơi nóng, hơi than tổ ong tỏa ra cả ngày. Nhà bà Lam có cháu nội mới sinh được hai tháng. Đóng cửa vào thì bí, thiếu không khí, không có lợi cho trẻ nhỏ mà mở cửa thì khói, mùi than tổ ong bốc lên khiến cháu bà ho sặc sụa. Bà Lam thương con, xót cháu nên sang nhà bà Thịnh góp ý:
Minh họa: Ngọc Phan
– Bà Thịnh ạ, vẫn biết bà bán hàng vì mưu sinh nhưng bà nhóm bếp than gây ô nhiễm môi trường quá, rất ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Bà thay đổi đun bằng gas có được không?
– Đun bằng gas thì lấy đâu ra lãi hả bà? Xương xẩu phải ninh cả chục tiếng đồng hồ.
– Vậy thì bà làm ống hút khói thật cao lên cho khói bay lên trên không, đừng làm ngõ mịt mù khói như vậy, ảnh hưởng đến mọi người.
Bà Thịnh không nói gì nữa nhưng sáng nào cũng dậy sớm nhóm lò. Và bà Lam, vì xót cháu nên cứ thấy khói lên lại ca cẩm…
Ba hôm nay, bà Thịnh nhóm bếp nhưng không không thấy bà Lam có ý kiến gì, cửa nhà đóng im ỉm. Nghĩ là có “chuyện lạ” nên tối ấy, khi đã chuẩn bị cho buổi bán hàng ngày mai xong xuôi, bà Thịnh mới đi sang nhà bà Lam để “thám thính” tình hình. Vào nhà, qua câu chuyện của bà Lam, bà Thịnh mới biết cháu bà Lam bị viêm phổi nặng đang nằm ở phòng cấp cứu của bệnh viện Nhi Trung ương.
Nhìn vẻ mặt lo lắng của bà Lam, bà Thịnh vội vã xin phép ra về rồi lấy xe máy vào viện thăm cháu bé. Về nhà, bà Thịnh mất ngủ. Một điều xưa nay chưa từng xảy ra bởi bà nổi tiếng khắp con ngõ này là người dễ ngủ. Chỉ cần đặt lưng, mà chẳng cần đặt lưng, chỉ cần dựa lưng vào đâu đó là bà đã có thể ngủ ngon lành. Đêm nay bà mất ngủ bởi những điều trông thấy ở bệnh viện đã ám ảnh bà. Bé Thắng nằm thiêm thiếp trên giường. Gương mặt hồng hào, bụ bẫm mà bà thường trông thấy đã thay bằng vẻ xanh xao, mệt mỏi với hơi thở gấp gáp, nặng nhọc. Bố mẹ nó cũng thâm quầng cả mắt vì thức đêm lo cho con… Phải chăng lâu nay bà đã quá vô tâm, vì lợi nhuận mà bất chấp đến việc gây tác động đến sức khỏe của những người xung quanh. Có lẽ nào khói bụi từ cái bếp than tổ ong của bà là một trong những nguyên nhân khiến bệnh của cậu bé thêm nặng? Mấy hôm nay, bà cũng nghe những người đến ăn phở nói chuyện Thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết sách nhằm hạn chế tác hại của khí thải than tổ ong tới môi trường và sức khỏe người dân. Năm 2018, toàn thành phố sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong; năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong. Nghĩ đi nghĩ lại, bà quyết định ngày mai sẽ nghỉ bán hàng dù bà sẽ phải chịu lỗ cả triệu đồng. Tiền là quan trọng nhưng có thứ còn quan trọng hơn. Bà không thể vì mình mà làm ảnh hưởng đến bà con trong ngõ nữa. Bà sẽ đến cửa hàng bán bếp gas để nhờ họ tư vấn, lắp đặt đồng thời đi đặt thợ làm ống khói để mùi thức ăn, hơi nóng từ bếp bay lên cao, hạn chế ảnh hưởng đến mọi người trong ngõ…
Cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh – sạch- đẹp
Và cũng từ đấy, quán bà Thịnh thêm đông khách. Bà cũng là một tuyên truyền viên tích cực trong vận động mọi người không sử dụng bếp than tổ ong khi đun nấu để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Vân Thu
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm