Quy tắc ứng xử

Ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Sóc Sơn: Chuyển biến trong thực hiện Quy tắc ứng xử

Ngay sau khi thành phố ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử, ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Sóc Sơn đã có nhiều biện pháp hiệu quả, thiết thực, giúp 2 bộ Quy tắc thấm sâu vào mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn.

Với tinh thần nghiêm túc, tích cực trong việc đưa 2 bộ Quy tắc ứng xử vào các cấp ủy, Ban Giám hiệu cùng các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường ở huyện Sóc Sơn đã vào cuộc một cách đồng bộ, trách nhiệm. Nhiều trường đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cả phụ huynh nắm bắt, thực hiện nội dung các Quy tắc ứng xử. Đặc biệt, các nhà trường đã tích hợp đưa các nội dung của Quy tắc vào trong các môn học, chương trình giáo dục tập thể, ngoại khóa. Cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục huyện không chỉ nghiêm túc thực hiện 2 bộ Quy tắc mà còn coi là tiêu chí để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.

Học sinh trường THPT Đa Phúc tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ (Ảnh: Lan Trương).

Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, ngành Giáo dục – Đào tạo huyện  Sóc Sơn đã triển khai nhiều hình thức theo phương châm kiên trì, bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”. Các trường học đã niêm yết 2 bộ Quy tắc  tại các địa điểm thuận lợi, dễ quan sát để mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh  nắm được nội dung, từ đó tự giác làm theo. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền, phổ biến 2 bộ Quy tắc ứng xử lồng ghép trong các hoạt động chung của nhà trường như hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm học; các buổi họp hội đồng, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chuyên môn; ký cam kết thực hiện nội dung của 2 bộ Quy tắc gắn với thực hiện kỷ cương hành chính. Đặc biệt, tại Trường Tiểu học Xuân Giang, việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc đã được đẩy lên thành phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhà trường coi là việc thực hiện 2 bộ Quy tắc là một tiêu chí để đánh giá cán bộ hằng tháng;  duy trì kiểm tra việc thực hiện 2 bộ Quy tắc, qua đó kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt, nghiêm túc, kịp thời nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh cá nhân vi phạm. Trường THCS Mai Đình đã có sáng tạo trong đưa 2 bộ Quy tắc vào thực tế với điểm nhấn là tổ chức thành công Hội thi tiểu phẩm xử lý tình huống ứng xử trong học sinh. Hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích mà qua những phần dự thi được đầu tư kỹ lưỡng đã có tác dụng lan tỏa trong giáo viên và học sinh những hành động đẹp, ứng xử chuẩn mực; phê phán những ứng xử chưa đẹp…

Ảnh: Ngọc Lan

Qua các hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo, ngành Giáo dục – đào tạo huyện Sóc Sơn đã đưa 2 Bộ quy tắc ứng xử của thành phố đến với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn, từ đó tự giác, tích cực thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những đơn vị làm tốt, vẫn còn có tình trạng một số trường học triển khai mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng học sinh nói tục, vẽ bậy lên tường, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, ra vào lớp; một số phụ huynh có hành vi chưa đẹp khi tham gia giao thông trước cổng trường, tạo hình ảnh xấu trước học sinh… Môi trường, khung cảnh sư phạm tại một số trường chưa được thường xuyên giữ gìn sạch đẹp, nhà vệ sinh của học sinh còn nhếch nhác, việc bố trí các thùng rác, vị trí thu gom rác chưa phù hợp…

Theo Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế, xác định việc xây dựng lối sống, ứng xử văn minh là một quá trình bền bỉ, lâu dài, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền 2 bộ Quy tắc ứng xử  bằng các hình thức phong phú, thiết thực như tổ chức hội thi, tọa đàm, qua đó nâng cao hơn nữa ý thức tự giác thực hiện của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các trường cần có giải pháp đưa 2 bộ Quy tắc vào chương trình trọng tâm để học sinh có thể nắm bắt cụ thể và thực hiện hằng ngày, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở đối với những sai phạm, công khai các hoạt động công vụ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong thực thi công vụ và ứng xử nơi công cộng, góp phần xây dựng nhà trường văn hóa, giữ gìn nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Lan Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *