Ngày 19/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019.
Năm 2018, ngành VHTT&DL đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Thiết chế văn hóa cơ sở các cấp cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác VHTT&DL năm 2018 vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại một số địa phương còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích. Đối với lĩnh vực thể thao, cơ sở vật chất về thể dục thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện còn hạn chế; kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia còn gặp nhiều hạn chế. Về du lịch, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch.
Năm 2019, toàn ngành VHTT&DL tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhiệm vụ đặt ra là tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng trên cả nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, ngành phấn đấu đạt 33,7% dân số và 24,5% số gia đình tập luyện thường xuyên. Ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện cho vận động viên tham dự các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới, như SEA Games 30, Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 10, vòng loại Olympic, Paralympic 2020… Trong lĩnh vực du lịch, chỉ tiêu được đặt ra là đón 103 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa…
Tại điểm cầu Hà Nội, Thành phố đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền hai quy tắc ứng xử; tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; phấn đấu có 40% số người và 29% số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động đã chia sẻ một số giải pháp đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị ở Hà Nội. Theo ông Tô Văn Động: Đối với con người và xã hội, bảo tồn và phát triển đều là những yêu cầu đòi hỏi hết sức khách quan, thống nhất chứ không đối lập nhau. Từ xưa đến nay, không bao giờ có bảo tồn nguyên trạng tất cả mọi thứ của quá khứ, ở mọi nơi, mọi lúc. Trái lại, với yêu cầu giữ gìn và kế thừa di sản cũng không ai có thể nhân danh sự phát triển để hủy hoại di sản. Tuy nhiên, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cũng nhấn mạnh: Giải pháp chúng ta thực hiện, về tổng thể đó là giải pháp mang tính chia sẻ, kết hợp, nhân nhượng lẫn nhau, giữa một bên là bảo tồn, một bên là phát triển… Nó không làm hài lòng tuyệt đối những người theo đuổi quan điểm muốn bảo tồn nguyên trạng toàn bộ không gian di tích nhưng đó là giải pháp tối ưu trong điều kiện cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những thành tích mà ngành VHTT&DL đã đạt được trong năm qua, thể hiện ở kết quả nổi bật trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, qua bước tiến vượt bậc của thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực, châu lục và thế giới; du lịch đứng trong tốp 3 về tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới…
Trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ VHTT&DL tập trung thực hiện các giải pháp cốt lõi cho vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục văn hóa; có phân tích, khuyến nghị nhằm làm lan tỏa những tấm gương, việc làm tốt; đưa ra các quy tắc ứng xử chuẩn mực từ trong nhà đến ngoài xã hội, hướng tới một xã hội ứng xử có văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần đặc biệt quan tâm đến di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị to lớn của di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL cần tập trung làm tốt việc đưa ra các quy tắc mang tính chất lễ nghi, từ nghi lễ các buổi lễ, đi đứng, ăn mặc phải đúng văn hóa, đúng truyền thống kết hợp với hiện đại… Về lĩnh vực thể thao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh cả thể thao nhà trường và cộng đồng bên cạnh thể thao thành tích cao. Riêng với bóng đá phải cương quyết thực hiện “bóng đá sạch”. Với lĩnh vực du lịch, cần tiếp tục có những định hướng có định hướng dài hạn để phát triển du lịch theo quy mô, chuẩn mực quốc tế, hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tạo môi trường du lịch an toàn, văn hóa.
PV (T/h)
Theo MaskOnline