Sáng 9/11, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội nghị Tổng kết các nhiệm vụ của ngành nhằm triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu tham dự có Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Huệ; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Xuân Tài; cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở.
Tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, trong giai đoạn này, Sở Văn hóa và Thể thao được giao xây dựng và triển khai 20 Nghị quyết, đề án, kế hoạch; đến nay 18/20 kế hoạch, đề án được ban hành, đạt 94,7%. Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở đã tham mưu Thành phố ban hành 13 Nghị quyết chuyên đề, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, tồn tại góp phần chung vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao. Sở Văn hóa và Thể thao được giao triển khai thực hiện 14 chỉ tiêu, kết quả 13/14 chỉ tiêu hoàn thành. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, 13/14 chỉ tiêu của Chương trình được giao đã hoàn thành hằng năm, thể hiện trách nhiệm, tập trung công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để Chương trình số 06-CTr/TU đạt được những kết quả quan trọng góp phần phục hồi kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, trong xây dựng môi trường văn hóa, trong quá trình triển khai thực hiện, đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, với nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật. Đến nay, Thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 65.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, 75% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, triển khai về xây dựng và thực hiện quy ước, hương hương ước, công tác xây dựng các mô hình văn hóa ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Quan tâm đầu tư, quản lý thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở, bám sát việc triển khai quy hoạch mạng lưới văn hóa và thể thao cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Công tác triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn Thành phố phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm và các sự kiện lịch sử, chính trị, công tác đối ngoại ngày càng được tổ chức kịp thời, đảm bảo tính thẩm mỹ của mẫu thiết kế đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác tuyên truyền.
Công tác tu bổ di tích được quan tâm, đầu tư; Công tác Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thành phố có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 39 di sản. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 66 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng. Công tác tổ chức lễ hội và quản lý các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội trên địa bàn Thành phố luôn được quan tâm chỉ đạo kịp thời và chuyển biến tích cực. Hằng năm, có 1.661 lễ hội truyền thống được tổ chức. Các di tích danh thắng cấp Thành phố đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và du khách đến tham quan, nghiên cứu học tập.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn Thủ đô đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trung bình mỗi năm Thành phố tổ chức 07 – 10 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng. Các Nhà hát của Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho Nhân dân và chào đón du khách đến với Thủ đô Hà Nội. Trung bình mỗi năm, dàn dựng 18 vở diễn mới, biểu diễn trên 3.000 buổi…
Sự nghiệp Thể dục thể thao được quan tâm đẩy mạnh: Tăng cường phát triển thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hoàn thành mục tiêu Thành phố đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên. Thể thao thành tích cao được tập trung giữ vững: Tại SEA Games 31, 32, Đoàn Thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, chiếm 30,24% tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam. Liên tiếp 6 kỳ đại Đại hội Thể thao toàn quốc, Hà Nội giữ vị trí đứng thứ nhất toàn đoàn.
Trong công tác Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Sở đã tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; Tiếp tục tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất tại các cơ quan thuộc Thành phố với nhiều hoạt động tuyên truyền các quy tắc đa dạng, phong phú. Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử tại 52 cơ quan với hằng trăm đơn vị, mô hình được kiểm tra. Tổ chức tuyên truyền Quy tắc ứng xử trên nền tảng công nghệ số; nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hoá người Hà Nội, văn hoá ứng xử góp phần đưa 2 quy tắc đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức cán bộ, người dân trong văn hoá ứng xử nơi công sở và các điểm công cộng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành Văn hóa và Thể thao cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Nhận thức của một số cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, nghệ thuật vẫn còn khiêm tốn. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa, nghệ thuật còn chưa đồng bộ. Chế độ ưu đãi cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật còn thấp… Hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh dịch vụ văn hóa… vi phạm và tái vi phạm vẫn còn tiềm ẩn. Việc xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến và xu thế phát triển của thời đại…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Chương trình 06-CTr/TU là một chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội, trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu. Đồng chí đã gợi mở một số vấn đề mà các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Đối với các Nhà hát cần xác định các nhiệm vụ quan trọng trong đó gồm các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật truyền thống, và phát triển công nghiệp văn hóa với những sáng tạo mới. Trong năm 2024, tính đến hết tháng 11 đã có 2.754 các sự kiện văn hóa – thể thao diễn ra trên địa bàn toàn Thành phố và dự kiến đến hết năm 2024 là 3.021 sự kiện. Trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Đình Hồng đề nghị các khối nghệ thuật, văn hóa cơ sở, di sản, thể thao… và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc chú ý đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, đưa ra các sản phẩm sáng tạo nhằm đóng góp cho mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu kinh tế tăng trưởng trên 2 con số, góp phần quan trọng tạo dựng vị thế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô.
Nhân dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao đã khen thưởng 25 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU.
Vy Vy