Chưa được phân loại

Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng: Lưu giữ vẻ đẹp của người nông dân qua tạo hình những con rối

Tình yêu của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chu Lượng với nghệ thuật múa rối xuất phát từ tình cảm với quê hương, con người, văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Không dừng lại ở việc xây dựng các tích trò, vở rối chất lượng cao, anh đã nâng tầm nghệ thuật múa rối […]

Tình yêu của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chu Lượng với nghệ thuật múa rối xuất phát từ tình cảm với quê hương, con người, văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Không dừng lại ở việc xây dựng các tích trò, vở rối chất lượng cao, anh đã nâng tầm nghệ thuật múa rối với các triển lãm sắp đặt về rối ở trong và ngoài nước. Tình yêu không toan tính ấy đưa anh đi qua những thăng trầm cuộc sống để rồi vẫn thủy chung với rối.

 

 

– Thưa NSƯT Chu Lượng, sau khi về hưu, anh vẫn tiếp tục dành thời gian và tình yêu của mình cho múa rối, đó là xây dựng bảo tàng nghệ thuật với hội họa và múa rối?

– Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật múa rối. Tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha của mình là họa sĩ Chu Mạnh Chấn. Ông là người say mê vẻ đẹp thuần khiết của con người, làng quê Việt cổ. Vẻ đẹp tinh thần ấy gắn liền với nghệ thuật rối nước, nghệ thuật xuất phát từ đời sống của người nông dân. Cha tôi lưu giữ vẻ đẹp ấy bằng nét cọ với những cảnh xưa đã mất, thể hiện điều đó qua những bức tranh sơn mài khổ lớn. Còn tôi thì lưu giữ vẻ đẹp của người nông dân qua tạo hình những con rối. Tất cả đang được hai cha con tôi lưu giữ tại quê nhà, phường La Khê (Hà Đông). Thực ra, với tiềm lực có hạn của gia đình, chúng tôi chỉ xem đây là nơi lưu giữ những gì mình đã gắn bó cả cuộc đời, để cho con cháu, bạn bè về đây thưởng lãm, tìm hiểu, nhớ về những gì xưa cũ.

– Vì vậy mà con rối của anh được nhận xét là hồn hậu, có vẻ chân chất, thôn quê?

– Đã 40 năm gắn bó với nghệ thuật múa rối nhưng đến giờ, niềm đam mê với môn nghệ thuật này vẫn rất đặc biệt với tôi. Tôi đã đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều phường rối để gặp gỡ các nghệ nhân, nghe lại những câu chuyện, tích trò… Tôi cũng đọc nhiều tư liệu của nhà sưu tầm Nguyễn Huy Hồng về những giá trị cốt lõi nhất của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê Bắc Bộ. Nét sinh hoạt văn hóa đời thường của làng quê cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân đã tác động vào tôi, ngấm vào tôi, giúp tôi thể hiện những con rối nước giản dị, mộc mạc.

– Đó là những yếu tố tinh thần, vậy còn kỹ thuật chế tạo những con rối của anh thì sao?

– Tôi mang kỹ thuật sơn mài truyền thống để làm nên những con rối, để lưu giữ vẻ đẹp của người nông dân quê tôi. Gia đình tôi cũng có truyền thống làm sơn mài. Điều đó giúp tôi tạo nên những tác phẩm nghệ thuật rối nước, trò diễn rối nước và những triển lãm rối nước.

– Điều gì khiến anh trăn trở về việc bảo tồn rối ở các làng quê Bắc Bộ?

– Mỗi lần nhắc đến lòng tôi lại thấy buồn, bởi vì những vẻ đẹp thuần khiết của làng quê đang bị mai một dần. Các nghệ nhân làng rối bây giờ cũng không còn như xưa. Ngày xưa, biểu diễn múa rối trong những ngày nông nhàn là để thỏa mãn chính mình, giúp vui cho cộng đồng. Đó là điều tự thân, cũng như những câu hát quan họ của vùng Kinh Bắc như tiếng lòng từ trong sâu thẳm. Mỗi người nghệ sĩ cần có ý thức lưu giữ vẻ đẹp đó.

Chúng ta nỗ lực phục hồi nhưng cách làm có thể chưa hợp lý. Tôi muốn kể một ví dụ, cách đây nhiều năm, có dự án phục dựng những phường rối nước ở Bắc Bộ do Quỹ Ford tài trợ. Tuy nhiên, quá trình phục dựng chưa chuẩn xác. Mỗi phường rối nước có những đặc trưng riêng: Từ các tích trò, cách tạo hình, âm nhạc, lời thoại. Việc dùng một nhóm thợ đục rối, sau đó chia con rối cho các phường làm mất bản sắc của từng phường bởi tất cả con rối đều giống nhau. Thủy đình cũng vậy.

– Để bảo tồn nghệ thuật rối nước, theo anh điều gì là quan trọng nhất?

– Quan trọng nhất là sự hiểu biết. Khi thực hiện thì phải rất kỹ lưỡng mới mong tạo hiệu quả tốt. Từng làm công tác quản lý đơn vị nghệ thuật múa rối, tôi nhận ra rằng phải truyền tình yêu đích thực với nghệ thuật mà mình theo đuổi và sự hiểu biết về giá trị cốt lõi của môn nghệ thuật này trong ý thức của mỗi nghệ sĩ và mỗi nhà quản lý.

Với riêng tôi, khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn dành thời gian để nghiên cứu về rối nước. Tôi đã có 3 công trình nghiên cứu: “Vẻ đẹp tạo hình rối nước Việt Nam”, “Rối nước Việt Nam với thiếu nhi”, “Văn hóa truyền thống kết tinh trong nghệ thuật rối nước”. Tôi cũng phục dựng lại các trò rối, làm triển lãm ở trong và ngoài nước, tái hiện vẻ đẹp đời sống tinh thần của làng quê Việt xưa… để trả lại cho rối nước những gì rối nước mang lại cho tôi.

– Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!

Theo Báo Hànộimới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/825309/nghe-si-uu-tu-chu-luong-luu-giu-ve-dep-cua-nguoi-nong-dan-qua-tao-hinh-nhung-con-roi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *