Sự kiện

“Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”

Qua mỗi trang văn, Trần Chiến như viết bằng cả niềm thương cùng niềm đau. Khu phố cổ những năm 1960 nặng lòng trên đầu ngọn bút để đem đến hiểu biết mới mẻ về Hà Nội không bao giờ cũ, một Hà Nội không mơ mộng nhưng là khía cạnh rất đáng suy ngẫm. […]

Qua mỗi trang văn, Trần Chiến như viết bằng cả niềm thương cùng niềm đau. Khu phố cổ những năm 1960 nặng lòng trên đầu ngọn bút để đem đến hiểu biết mới mẻ về Hà Nội không bao giờ cũ, một Hà Nội không mơ mộng nhưng là khía cạnh rất đáng suy ngẫm.

Góc nhìn trực diện

Trần Chiến là tác giả gắn với Hà Nội qua các tập truyện Con bụi, Đường đua, tiểu thuyết Bốn chín chưa qua, Đèn vàng, Cậu ấm… Tiếp tục lấy mảnh đất này là nguồn cảm hứng, với Chín bỏ làm mười (NXB Phụ nữ, 2018) ông vận dụng khả năng quan sát chi tiết, óc tư duy linh hoạt và ngòi bút sắc sảo để nhận diện các vấn đề còn khuất lấp trong một khu phố cổ xưa. Ẩn sau đó là một Hà Nội đang từng ngày phát triển, đan xen những bất cập cần nhìn trực diện để thay đổi.

Khác với lối viết chương hồi thông thường, câu chuyện được đưa đẩy bằng sự thay đổi linh hoạt giọng kể. Lần lượt 7 ngôi kể là cậu bé Nam Mọt sách, bác Lẫm Biết tuốt, chị Tâm mun, ông Biếc Dân phòng, chị Hiếu “cơm”, Lâm đồng cô và thủ từ Khiêm. Bằng suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, các nhân vật thuật lại mọi sự việc trong khu phố Hàng Nồi một cách sinh động. Trần Chiến chia sẻ, đây không chỉ là cách “làm mới” mình, mà qua nhiều ngôi kể, ông muốn tạo nên góc nhìn đa diện về bức tranh Hà Nội. Mỗi nhân vật như một đại diện tiêu biểu của con phố nhỏ mà ẩn chứa trong đó vô vàn rắc rối, mâu thuẫn của xã hội thời điểm cách đây 60 – 70 năm.

Trong một không gian sống ngột ngạt, chật chội với mùi chuồng trồ (nhà vệ sinh) nồng nặc, con người cũng chẳng thể khá hơn. Tất cả đều trở thành nạn nhân. Những đứa trẻ như Nam trong sáng, ngây thơ mà cũng bị lôi vào trò phản trắc của người lớn. Nhân vật Lâm đồng cô thu mình trong sự lên án, tẩy chay, luôn mong chạm đến tận cùng con người bản thể, cuối cùng chọn cái chết để giải thoát. Mẹ Nam Mọt sách là một phụ nữ chỉn chu, biết nâng niu cái đẹp và tận hưởng cuộc sống, song vì sự dò xét, hiềm tị của láng giềng mà phải giấu mình, lúc nào cũng tâm niệm một sự nhịn là chín sự lành…


Nhà văn Trần Chiến ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Chín bỏ làm mười
Ảnh: Thái Minh

Các nhân vật như “người trong cuộc”, tự dẫn dắt câu chuyện của mình. Trong từng lời kể, phố cổ hiện ra với dáng vẻ khác với những gì ta vốn hình dung. Ở đấy là một không gian có phần xô lệch, bị chia cắt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nơi đấy là những nét sống của thời bao cấp và hơn cả là cuộc sống nhiều lo toan, bươn trải trong những năm tháng không thể nào quên. Góc nhìn này khiến tiểu thuyết man mác nỗi buồn. Những băn khoăn, trăn trở cứ lồ lộ, gây ấn tượng mạnh, nhất là với những ai từng sống ở đô thị.

Tìm về Hà Nội đúng chất

Có ý kiến cho rằng, với “Chín bỏ làm mười”, Trần Chiến như đang “bắt mạch” tâm lý người Hà Nội một thời. Giọng văn rủ rỉ, uy mua, phơi bày những điều không hay, mặt hạn chế của Hà Nội một cách tinh tế. Chỉ vài trăm trang sách nhưng Trần Chiến đã khắc họa được cả một giai đoạn của Hà Nội mà văn học sau 1954 đề cập còn khá sơ sài, nhất là đời sống thành thị. Các nhân vật trong đó đều là những người bình thường, thậm chí tầm thường nhưng tạo nên một phần hồn Hà Nội. “Phần hồn” ấy qua những biến thiên, thăng trầm của thời cuộc, thời thế, làm đảo lộn số phận con người và đổi thay chính nó.

Trong tiểu thuyết, có mấy lần tác giả để nhân vật nói về chuyện “chín bỏ làm mười”. Câu thành ngữ làm tiêu đề tác phẩm lặp lại như một nụ cười dí dỏm pha chút cay đắng. Những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong con phố Hàng Nồi nhờ chín bỏ làm mười mà được cho qua. Điều ấm ức, u uẩn trong lòng người ta vì thế được (phải) nuốt xuống. Song cũng bởi chín bỏ làm mười mà đánh tuột không ít giá trị, ai cũng xuề xòa, muốn phiên phiến đi. Có điều, tâm lý dĩ hòa vi quý, cách sống “phiên phiến” ấy rất có thể làm Hà Nội mất dần cái chất của nó.

Mặc dù lấy bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, song có tác giả đưa vào những chi tiết “lệch đại”, nghĩa là có cả vấn đề thời sự. Điều đó không làm mạch truyện đứt quãng mà giúp kéo gần trang văn đến với cuộc sống hiện đại. Trong các khía cạnh đáng viết về xã hội bấy giờ, tác phẩm đề cập nhiều về xung đột văn hóa. Chẳng hạn, chuyện nhân vật Hiếu cơm coi nếp nhà thì phải nấu ăn ngon, thịt kho tàu nhất định phải có nước hàng, đàn bà đẹp khi mặc áo dài, đi guốc… bị bàn ra tán vào, quy thành kiểu sống “tư sản”. Theo nhà văn Trần Chiến, hoàn cảnh bấy giờ khó có thể nói ai tốt ai xấu nhưng điều đó cứ diễn ra hàng ngày và cái được, cái mất mát văn hóa không thể nào tính đếm. Nhìn vào, nhận diện nó là đang “đụng” đến một góc khác của Hà Nội.

“Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó” (Hà Nội và tôi, Lê Vinh) – câu hát được trích dẫn để mở ra bao chuyện về thăng trầm của con phố và cả tâm sự của người viết. Yêu Hà Nội bao nhiêu thì những số phận được đề cập trong “Chín bỏ làm mười” lại rọi về hiện thực bấy nhiêu. Hiện thực ấy kéo người ta không tự huyễn hoặc mình. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, với tiểu thuyết này, Trần Chiến tiếc thương cho nét đẹp của Hà Nội đã phai tàn hoặc có thể sẽ phai tàn. Trong thi ca, câu hát, trong trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà và nhiều nhà văn khác, kể cả của chính Trần Chiến trước đó, ta đã có những Hà Nội khác nhau. Lần này, ta vẫn yêu nhưng lại thêm thao thức về Hà Nội.

Theo Báo Đại biểu nhân dân

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *