Sáng 22/10/2020, tại Hà Nội, Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cùng đông đảo các thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Mở đầu buổi lễ, NSƯT Huỳnh Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã có bài phát biểu ôn lại quá trình 60 năm hình thành và phát triển của Nhà hát. Theo đó, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tiền thân là Đoàn Văn công nhân dân Thành phố Hà Nội được thành lập ngày 8/2/1960. Đến năm 1962, bộ phận ca múa nhạc tách ra hoạt động độc lập thành Đoàn ca múa nhạc Hà Nội. Suốt hành trình 60 năm qua, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã vượt qua khó khăn, thử thách để dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình ca múa nhạc, phục vụ công chúng trong kháng chiến, sau khi đất nước thống nhất và giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Những năm qua, nhà hát đã dàn dựng được gần 3.000 chương trình nghệ thuật, trong đó có hơn 1.000 chương trình lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị và các dịp kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước. Đơn vị cũng đã biểu diễn hơn 10.000 buổi, phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, thể hiện vẻ đẹp, nét tinh tế của Hà Nội, tạo nên thương hiệu của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long như: “Hồ Gươm”, “Hà Nội những công trình”, “Trống hội Thăng Long”, “Hà Nội xưa và nay”, “Hà Nội, ngày… tháng… năm”, “Linh thiêng Hà Nội”, “Ký ức Long Thành”…
Là một trong những đơn vị nghệ nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô, thời gian qua, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã thực hiện tốt 2 nhiệm vụ song song là gìn giữ bản sắc văn hóa của ông cha ta để lại và phát triển, xây dựng những chương trình mới mang hơi thở thời đại. Một nhiệm vụ quan trọng khác là Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long là luôn chú trọng việc bảo tồn, phát triển thế nào để cho giới trẻ cảm nhận được, họ thấy mình ở đó, không xa lạ hay lạc lõng với vốn văn hóa ông cha ta để lại. Cốt lõi vẫn là văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng hình thức thể hiện có sự mới mẻ và hội nhập quốc tế.
Từ năm 2013 đến nay, Nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện, tìm tòi, học tập để xây dựng các tiết mục mới, dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình lớn phục vụ chính trị, phục vụ đối ngoại và phục vụ nhân dân Thủ đô, đồng thời tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH,TT&DL tổ chức.
Ngoài các nhiệm vụ phục vụ chính trị được giao, Nhà hát cũng tích cực biểu diễn các chương trình có doanh thu để đảm bảo nguồn thu sự nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn như trang thiết bị còn thiếu, chưa có phương tiện vận chuyển, chưa có rạp… Nhà hát đã cố gắng khai thác hợp đồng biểu diễn phục vụ các đơn vị và tổ chức các buổi biểu diễn bán vé để tăng cường nguồn thu sự nghiệp. Hàng năm Nhà hát đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thu biểu diễn, kinh phí thu sự nghiệp hàng năm tăng trung bình khoảng 15-20% (năm sau so với năm trước).
Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật, trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động biểu dương và ghi nhận những cống hiến tâm huyết của tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long với sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô trong suốt 60 năm qua. Bước sang một chặng đường mới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tiếp tục kiện toàn nhà hát, nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy sự sáng tạo và đoàn kết của đội ngũ cán bộ, viên chức nhằm tiếp tục đóng góp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; trao Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho hai tập thể và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước.
PV
Theo MaskOnline