Sân khấu

Nhà hát Chèo Việt Nam công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên”

Vở chèo cổ “Trinh Nguyên” vừa được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng lại và sẽ được công diễn tại Rạp Kim Mã Hà Nội vào tối 30/6/2018.

    Ảnh: NHCVN

Vở diễn là câu chuyện ý nghĩa về tình mẫu tử, anh em qua hình tượng nhân vật nàng Trinh Nguyên. Đây là người phụ nữ tài đức vẹn toàn nhưng không may chồng mất sớm phải một mình nuôi dạy hai con. Được trời phú cho tài dệt lụa, nàng Trinh Nguyên tần tảo sớm hôm nhưng rồi vì “làm phúc phải tội” mà hai đứa con ngoan hiền bỗng bị hàm oan vì tội giết người. Chả là hai anh em Tôn Mạnh và Tôn Trọng đi học xa nhà, một hôm trên đường trở về thăm mẹ thì gặp một xác chết. Vốn là những đứa bé tốt bụng nên sau một hồi bàn tính, hai anh em đã cùng nhau lo chôn cất chu toàn cho nạn nhân. Nhưng rồi tình ngay lý gian, hai anh em Tôn Mạnh, Tôn Trọng bị bắt giam vì tội giết người phi tang. Không thể chứng minh cho nỗi oan của mình thì hai anh em Tôn Mạnh, Tôn Trọng tranh nhau nhận mình là thủ phạm còn người kia vô tội khi một trong hai đứa trẻ sẽ phải nhận án tử. Trong phiên xét xử, tìm mọi cách để minh oan cho hai con không được, bà Trinh Nguyên đã xin được nhận cái chết thay cho hai con. Còn nếu không thay thế được, bà xin quan án sát hãy để Tôn Trọng, đứa con ruột của mình với người chồng đã khuất được nhận án tử bởi theo bà, Tôn Mạnh đã quá thiệt thòi khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé… Tình cảm của người mẹ kế và tình yêu thương của hai anh em Tôn Mạnh, Tông Trọng đã lay động đến trái tim của bao người. Và rồi cuối cùng, quan án sát đã đưa ra quyết định là cả ba mẹ con Trinh Nguyên đều không có tội.

Ảnh: TH

Người xưa có câu: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng… nhưng với tích chèo cổ Trinh Nguyên thì hoàn toàn khác. Qua vở diễn, hình tượng nàng Trinh Nguyên được xây dựng là một người mẹ kế có tấm lòng bao dung, cao thượng, đầy yêu thương, đặc biệt là trong cách đối xử với con riêng của chồng. Chi tiết nàng Trinh Nguyên xin cho đứa con đẻ của mình nhận cái chết chứ không phải là con riêng của chồng thể hiện rõ nét nhất tính cách của nhân vật Trinh Nguyên và tính nhân văn của tác phẩm. Có lẽ trên thế gian này hiếm có người mẹ kế nào như nàng Trinh Nguyên mà cũng thật sự không có nhiều những mối quan hệ anh em cảm động như Tôn Mạnh, Tôn Trọng. Và đúng như lời của quan án sát khi xét xử: “Dẫu biết luật nước nghiêm minh không thể vị tình mà xét xử nhưng một người mẹ dám hi sinh đứa con mình dứt ruột bỏ ra để cứu lấy con chồng thì không thể làm điều ác. Hai đứa trẻ đứa nào cũng nhận cái chết về mình thì có lẽ nào là những đứa trẻ bất nhân. Thế gian này có mấy người mẹ và những đứa con như vậy!”

Ảnh: TH

Vở chèo Trinh Nguyên được dàn dựng lại bởi hai đạo diễn: Nguyễn Ngọc Kình và NSƯT Đoàn Vinh cùng sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam: NSƯT Thùy Dung, NSƯT Bá Dũng, Trần Hải, Văn Phương, Đức Kiên, Minh Hải… Vở diễn sẽ được Nhà hát Chèo Việt Nam công diễn tại Rạp Kim Mã, Hà Nội vào tối 30/6/2018.

Ảnh: TH

Được biết vở chèo Trinh Nguyên là một trong số 7 vở chèo cổ được Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng nhằm mục đích bảo tồn vốn chèo cổ chèo cho lớp diễn viên trẻ hôm nay. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các diễn viên trẻ của Nhà hát tiếp thu, học hỏi những vai diễn mẫu của sân khấu chèo từ những lớp nghệ sĩ thế hệ trước. Điều đó sẽ góp phần giữ gìn và phát triển chèo cổ vốn đang bị mai một ít nhiều trong những năm gần đây.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *