Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm.
Nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng, ngày 27/12/2021, UBND Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch được ban hành với mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền QTƯX nơi công cộng
Cho đến năm 2025, Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền bộ QTƯX nơi công cộng bằng nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền trong hệ thống trường học, thông qua các hội thi “Tuyên truyền QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đưa ra các giải pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng. Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những người cao tuổi, những người có uy tín ảnh hưởng ở khu dân cư gương mẫu thực hiện QTƯX. Tập trung tuyên truyền vào nơi tập trung đông người, dễ xảy ra các vi phạm thiếu chuẩn mực như: các khu chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, bến xe, vườn hoa, công viên, không gian văn hóa, thể thao tại cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, ứng xử của người dân khi tham gia giao thông. Việc niêm yết QTƯX tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, các điểm di tích, nơi công cộng phải theo mẫu thống nhất toàn Thành phố, thay thế các bảng tuyên truyền cũ, bạc màu không đảm bảo tuyên truyền.
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng cần gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước. Rà soát quy ước, hương ước, bổ sung nội dung QTƯX nơi công cộng vào quy ước, hương ước của từng thôn, làng, tổ dân phố để công khai thực hiện có hiệu quả ở từng đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy ước, hương ước và QTƯX nhằm tăng cường giáo dục ý thức chấp hành quy ước, tạo dư luận xã hội, điều chỉnh các hành vi ứng xử của mỗi người. Xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước và QTƯX trở thành nếp sống đẹp trong các tầng lớp Nhân dân. Chú trọng chất lượng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương. Gắn việc thực hiện QTƯX nơi công cộng với việc thực hiện QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức. Đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng đô thị bổ sung hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh, điện chiếu sáng, xây dựng không gian cảnh quan môi trường đô thị văn minh hiện đại, nhằm hạn chế tối đa hành vi vi phạm, đảm bảo thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và QTƯX nơi công cộng. Chấn chỉnh xử lý nghiêm những tình trạng vi phạm kỷ cương đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán hàng. Sắp xếp lại trật tự vỉa hè, đường phố đảm bảo thông thoáng, tiến tới xây dựng tuyến phố, tuyến đường dành cho người đi bộ.
Nhân lên những mô hình điểm
Sau 5 năm triển khai thực hiện, QTƯX công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Từ hiệu quả rõ rệt ấy, ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng. Đó là các mô hình Chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình; Mô hình Nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; Mô hình tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; Mô hình hướng dẫn Nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; Mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện; Mô hình Di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn; Mô hình làng văn hóa tiêu biểu; Mô hình phường đạt chuẩn văn minh đô thị…
Đặc biệt, xây dựng “Chợ văn minh” đang là mô hình mà các cấp Hội phụ nữ Hà Nội triển khai gắn với việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại chợ Thái Hà, một trong những khu chợ truyền thống thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi khác. Không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước, không gian chợ thoáng đãng, rác thải được dọn gọn gàng, sạch sẽ. Khi triển khai thực hiện mô hình “Chợ văn minh”, các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại chợ với những nội dung như: Những ứng xử nên làm như: niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm; cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực; xếp hàng khi mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường. Những ứng xử không nên làm như: mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; nói sai, cân đong gian dối; gây mất an ninh trật tự; mua, bán ngoài phạm vi quy định… Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố, các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương góp phần từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, gìn giữ và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.
Ngoài những mô hình do Thành phố triển khai, tại các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng những mô hình riêng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Để triển khai thực hiện bộ QTƯX, tại quận Long Biên rất nhiều mô hình, sáng kiến đã được xây dựng từ các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Đặc biệt, từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục quận Long Biên đã triển khai mô hình “Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp”, sau đó là “Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh”. Trong năm 2022, quận triển khai thêm một tiêu chí đó là “Hạnh phúc”. Cũng trong năm 2022, quận Long Biên đã triển khai nhân rộng việc thực hiện “Văn hóa cúi chào” mà trước đây được triển khai ở trường THCS Đô thị Việt Hưng và hiện nay quận đã triển khai đến tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS. “Khoanh tay – mỉm cười – cúi chào” là nét đẹp trong văn hoá giao tiếp đang được lan toả trong các em học sinh và các thầy cô giáo tại các trường học trên địa bàn quận Long Biên.
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống, làm việc là mục tiêu quan trọng của việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về QTƯX, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.
Thuý Nga