Di sản – Bảo tồn

Nhiều giải pháp phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành

Các giải pháp thể hiện sự tâm huyết với mong muốn để lễ hội truyền thống khu vực nội thành trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Lần đầu tiên được tổ chức, Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay” đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số hội, viện nghiên cứu và các trường đại học có khoa, ngành liên quan về di sản văn hóa và đơn vị liên quan, đại diện lãnh đạo và chuyên viên UBND, Phòng Văn hóa – Thông tin 12 quận; đại diện cộng đồng thực hành di sản tại 12 quận.

Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với 221 Lễ hội truyền thống. Trong đó quận Ba Đình (19 lễ hội); Thanh Xuân (04 lễ hội); Tây Hồ (9 lễ hội); Nam Từ Liêm (23 lễ hội); Long Biên (34 lễ hội); Hoàng Mai (09 lễ hội); Hoàn Kiếm (10 lễ hội); Hai Bà Trưng (9 lễ hội); Hà Đông (46 lễ hội); Đống Đa (18 lễ hội); Cầu Giấy (16 lễ hội); Nam Từ Liêm (24 lễ hội). Trong đó có 09/19 lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội làng Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên); Lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội bơi Đăm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội chùa Láng quận Đống Đa; Lễ hội thổi cơm Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm); Lễ hội kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Lễ hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), Hội Thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ).

Từ thực tế tổ chức lễ hội ở khu vực nội thành, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhiều giải pháp  để lễ hội truyền thống khu vực nội thành trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tiến sỹ Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXHVN) cho biết: “Để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo và đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô. Trong không gian các lễ hội, các sản phẩm thủ công mĩ nghệ đặc trưng của các làng nghề sẽ được trưng bày, giới thiệu với du khách, thúc đẩy tiêu dùng. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trong dịp diễn ra các lễ hội không những đáp ứng được nhu cầu của du khách mà còn góp phần quảng bá nhiều thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống Hà Nội, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, tạo điều kiện cho việc trao đổi, giao lưu hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Các dịch vụ văn hóa được tổ chức tốt sẽ làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt lễ hội”.

 

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa đã có nhiều ý kiến tâm huyết

Để làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, phát huy giá trị lễ hội truyền thống ở khu vực nội thành, theo TS. Đinh Việt Hà, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lí và tổ chức lễ hội trong nội thành Hà Nội cũng như cần có sự đầu tư về kinh phí, hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động lễ hội và phân ra từng loại lễ hội để có phương án quản lý và hướng dẫn, tổ chức hoạt động thích hợp. Hầu hết, các lễ hội có quy mô lớn thường diễn ra vào mùa xuân. Do đó, cần có sự chuẩn bị kĩ càng một bản đồ du lịch để tập hợp các lễ hội tiêu biểu trong nội thành Hà Nội để khách tham quan có thể đến dự và tham gia vào các hoạt động lễ hội. Từ khi đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm” được thực hiện, ngày càng nhiều khách du lịch trong nước đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan khu vực này. Do vậy, cần tiếp tục duy trì và mở rộng hiện quả của đề án này.

Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin quận Đống Đa phát biểu tại Tọa đàm

 

Đại diện cộng đồng thực hành di sản phát biểu ý kiến

Còn theo Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin quận Đống Đa, để tổ chức lễ hội truyền thống thì  sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng là rất quan trọng: “Việc phục dựng thành công Nghi thức rước kiệu Đức thánh Láng cổ truyền đã tạo không khí sôi nổi, nức lòng Nhân dân Đống Đa và thủ đô Hà Nội , thu hút được rất nhiều sự đóng góp của nhân dân, các cơ quan đơn vị, cũng như các mạnh thường quân tham gia ủng hộ. Lễ hội đã tạo nên một khối đại đoàn kết giữa nhân dân các Quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình.  Để đạt được những  kết quả trong công tác tổ chức  Lễ hội chùa Láng đó chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố, các Sở, ngành liên quan, sự tham gia đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, sự vào cuộc đồng bộ  của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hiệu quả của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn quận, các đơn vị truyền thông, đặc biệt là sự tham gia đóng góp tích cực nhiệt huyết của cộng đồng dân cư địa phương, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong hoạt động lễ hội”.

Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hằng (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết ở góc độ gắn kết giữa lễ hội truyền thống ở Hà Nội với sự phát triển du lịch. Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hằng : “Có thể thấy rõ, lễ hội truyền thống bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song khi mối quan hệ giữa lễ hội truyền thống và du lịch được nhìn nhận đúng mức hơn và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thì nguồn lực đó sẽ được vận hành tốt hơn và tạo ra hiệu quả thực sự. Lễ hội truyền thống trở nên sôi động hơn và có thể phát triển, mở rộng được, có được nhiều hơn nguồn lợi vật chất khi có du lịch, du lịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn, có chiều sâu hơn và hấp dẫn hơn khi dựa trên các giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, tự bản thân lễ hội truyền thống khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có bàn tay của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống. Điều này có nghĩa là những chủ nhân của lễ hội truyền thống và những người làm du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi và cùng vì mục đích lâu dài, có như vậy thì nguồn lực lễ hội truyền thống mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch”.

Từ thực tế tổ chức lễ hội Thập tam trại (một lễ hội lớn trong khu vực nội thành Hà Nội, thu hút cư dân của 13 làng trại trong quận Ba Đình và Đống Đa là sự giao chạ khăng khít và lâu đời vào bậc nhất của Hà Nội nói riêng và Đồng bằng Bắc bộ nói chung), ông Trần Sơn Trà, Phó ban quản lý di tích lịch sử đền Núi Sưa đưa ra những đề xuất để phát huy giá trị của lễ hội truyền thống. Đó là: Lãnh đạo đảng và chính quyền cùng ngành văn hoá cần quan tâm bằng các văn bản và quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho lễ hội được tổ chức định kỳ thành truyền thống. Ngành văn hoá phối hợp cùng các cố lão địa phương và các ban quản lý di tích thu thập tài liệu nghiên cứu và xây dựng đề án lễ hội hoàn chỉnh và quy củ. Lãnh đạo các phường thuộc thập tam trại cần vào cuộc nhiệt tình và sát sao hơn nữa. Tuyên truyền ý nghĩa và giá trị lịch sử của lễ hội sâu rộng tới quần chúng nhân dân để họ hiểu họ yêu mến và tích cực tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Lề hội là của Nhân dân diễn ra trong truyền thống và không gian địa phương do đó cần tôn trọng ý kiến và truyền thống của cư dân thập tam trại vì họ là chủ thể của lễ hội. Cần có thêm nhiều cuộc tọa đàm và các cuộc tham quan thực tế tại các lễ hội của những làng khác ngoài khu vực nội thành dành cho các tiểu ban quản lý di tích trong thập tam trại để tăng thêm sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm đặc biệt là với các làng có thờ chung thần Thành hoàng…

Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *