Phim tài liệu “ Những cánh én đầu tiên” thuộc series “ Không chiến Việt Nam”- một trong những dự án nhân văn, phi lợi nhuận của Xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) của Trường Đại học Duy Tân đã ra đời với khát vọng được tái hiện trận chiến Hàm Rồng ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ.
Trang sử về chiến thắng Hàm Rồng, Thanh Hoá năm 1965 như bản hùng ca vẫn vang mãi với thời gian. Những trang sử ấy còn mãi, để tuổi trẻ hôm nay và mai sau có quyền tự hào về dấu ấn một thời oai hùng của dân tộc.
Phim tài liệu “ Những cánh én đầu tiên” thuộc series “ Không chiến Việt Nam”- một trong những dự án nhân văn, phi lợi nhuận của Xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) của Trường Đại học Duy Tân đã ra đời với khát vọng được tái hiện trận chiến Hàm Rồng ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ.
Bằng tất cả sự tâm huyết, đội ngũ của Silver Swallows Studio đã chắt lọc từng sự kiện và khung hình để tái hiện một cách rõ nét nhất những thời khắc oanh liệt của những người anh hùng trong những trận đánh lịch sử đầu tiên ở Hàm Rồng – cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện Bắc Nam.
Biên đội tiêm kích ngày 4/4/1965 gồm: Phi công Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316; Phi công Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410; Phi công Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412 và Phi công Trần Nguyên Năm, số 4 với máy bay số hiệu 2416.
Khi nhận được hiệu lệnh xuất kích, từ sân bay Nội Bài, biên đội đã bay theo địa hình, dọc theo đường số 1 xuống phía Nam, qua Phủ Lý, đến gần cầu Đò Lèn thì tách ra bên trái, đi ra hướng biển. Khi bay đến khu vực chiến đấu, biên đội bất ngờ vọt cao, chiếm độ cao có lợi trước khi lao vào công kích. Biên đội trưởng Trần Hanh báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng và đã triển khai đội hình tiến công ngay sau đó. Trận không chiến diễn ra trong chớp mắt. Dù có ưu thế hơn về mặt kích thước và kỹ thuật, hai máy bay cường kích F-105 nhưng vẫn bị biên đội MiG-17 hạ gục.
Trong trận chiến đấu tiếp theo với biên đội F-100D hộ tống cho F-105, phi công Lê Minh Huân bị rơi gần biển Sầm Sơn, có thể do bị bắn trúng đuôi máy bay. Hai chiếc còn lại do phi công Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm bị rơi trong những tình huống không xác định. Riêng phi công Trần Hanh đã cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay F-100D. MiG-17 của Trần Hanh đã bị hết dầu và hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳnh Châu, tỉnh Nghệ An.
Các phi công Phạm Giấy, Trần Nguyên Năm và Lê Minh Huân đã hy sinh anh dũng trong trận chiến khốc liệt ngày hôm ấy.
Những ký ức về chiến thắng trận đầu lẫy lừng ngày 4/4/1965 luôn gợi nhắc một giai đoạn “Sống vì mọi người”, để mỗi lần lật lại từng trang sử, mỗi lần lắng đọng trong những thước phim mô phỏng lại ngày ấy, mỗi chúng ta sẽ không ngừng bồi hồi, xúc động,…
Ekip làm phim ước nguyện góp phần bé nhỏ để điểm tô thêm trang sử hào hùng để giúp thế hệ hôm nay và ngày mai, mãi mãi một niềm tự hào, mãi mãi trân trọng những phút giây thiêng liêng của dân tộc.
“Những cánh én đầu tiên” sẽ khởi chiếu từ 21/6/2019.
Tấn Duy
Theo MaskOnline