Gia đình

Phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025

Sáng 5/6/2025, tại quận Nam Từ Liêm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 với chủ đề ““Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” và tổ chức Hội nghị thông tin, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài phát biểu tại Lễ phát động

Các đại biểu tham dự Lễ phát động có: Ông Khuất Văn Quý – Phó Cục Trưởng, Cục Văn hóa cơ sở, gia đình và Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Phạm Xuân Tài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội; Bà Đỗ Thị Thúy Hà – Uỷ viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm; Ông Đỗ Thiện Đức – Uỷ viên ban thường vụ quận uỷ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm cùng đại diện các Sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội; đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin cùng các cán bộ phụ trách công tác gia đình của 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố; các gia đình văn hoá tiêu biểu và các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.Thực tế cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã đem lại cho chúng ta những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng đồng thời cũng nảy sinh những thách thức trong việc giáo dục, chăm lo, giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình. Trong đó có vấn nạn bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đã và đang trở nên nhức nhối trong xã hội hiện đại, gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng của thành viên trong gia đình, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, là nguyên nhân làm suy giảm hạnh phúc và sự bền vững của gia đình, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình, tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình thông qua hệ thống pháp luật như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và đặc biệt là Luật phòng, chống bạo lực gia đình… Nhằm thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 8 tháng 3 năm 2016 chọn tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình cũng được đưa vào quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết: Những năm qua, thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng tới công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dư¬ới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức và triển khai đồng bộ các hoạt động góp phần xây dựng gia đình phát triển toàn diện cả về vật chất và tinh thần. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã giúp cho nhiều gia đình từng bư¬¬ớc nâng cao chất lượng cuộc sống. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, ng¬ười cao tuổi và trẻ em được chăm sóc tốt hơn. Trong 10 năm qua, số vụ bạo lực gia đình ở thành phố Hà Nội ngày càng giảm. Năm 2014, toàn thành phố phát hiện có 331 vụ, đến năm 2024 chỉ còn 24 vụ. Đa số các nạn nhân đều được tư vấn về tinh thần, tâm lý và chăm sóc y tế.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm phát biểu hưởng ứng

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài nhấn mạnh: Phòng, chống bạo lực trong gia đình là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, mỗi chúng ta cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện mục tiêu của Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, đó là: “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị: Lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội của Hà Nội tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm về phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức tốt các hoạt động ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các mục tiêu, nội dung, giải pháp được đề ra tại Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong việc xây dựng nhiệm vụ, đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình và trẻ em ở cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, thu thập thông tin về bạo lực gia đình.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông tin và phổ biến kiến thức tại Hội nghị

Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với cuộc sống của người dân từng địa phương, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan truyền thông, báo chí xây dựng, phát huy hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. Đa dạng hóa phương thức, các loại hình, sản phẩm thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình. Khuyến khích sáng tác các chương trình và tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội mong muốn các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, cộng đồng trong xã hội tích cực tham gia hơn nữa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình đến mức thấp nhất. Qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu chăm chú theo dõi những thông tin và kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được báo cáo viên chia sẻ

Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà đã có bài phát biểu hưởng ứng. Những năm qua, quận Nam Từ Liêm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các mô hình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, truyền thông thay đổi hành vi… Ngoài sự hoạt động tích cực của 141 Ban công tác mặt trận các Tổ dân phố trong việc vận động Nhân dân giữ gìn sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng, quận Nam Từ Liêm còn có 22 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, 22 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025, quận Nam Từ Liêm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và đẩy mạnh truyền thông về kỹ năng ứng xử trong gia đình, nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới. Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các tổ hòa giải cơ sở, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp sớm các trường hợp có nguy cơ hoặc đang xảy ra bạo lực gia đình. Chú trọng xây dựng môi trường gia đình và cộng đồng an toàn, nơi mỗi thành viên được lắng nghe, tôn trọng và yêu thương, để mỗi gia đình thực sự là một pháo đài vững chắc chống lại bạo lực, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Đồng thời quận sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đang hoạt động hiệu quả, như: “Gia đình không có bạo lực”, “Tổ dân phố an toàn”, câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình…

Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ phát động

Sau Lễ phát động, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông tin, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là sự biến đổi, vai trò, chức năng của gia đình Việt Nam hiện nay, các thông tin, các “con số biết nói” về tình hình bạo lực gia đình, tỷ lệ ly hôn… ở Việt Nam qua một số nghiên cứu, khảo sát và thống kê mới nhất. Và đặc biệt là hệ thống các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đang được triển khai thực hiện tại Việt Nam hiện nay. Tuy thời lượng không dài nhưng với cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu cùng với những câu chuyện thực tế, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã truyền tải tới người nghe nhiều thông tin, kiến thức hữu ích và mới mẻ, qua đó có thể giúp mỗi người hiểu thêm về bạo lực gia đình và có những cách hành xử phù hợp, góp phần giảm thiểu và đẩy lùi bạo lực trong mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *