Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc của thanh thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để các nhà khoa học, nhà quản lý và người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi để xác định các giải pháp góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, thanh thiếu niên nói riêng trong kỷ nguyên số.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết: Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đặt trong bối cảnh sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng xu thế chuyển đổi số, chính sách phát triển văn hóa đọc ở tầm vĩ mô, cùng các hoạt động thực tiễn phát triển văn hóa đọc tại bộ, ngành, địa phương cho đối tượng thanh niên, thiếu niên có nhiều thay đổi về hướng tiếp cận, cách thức tổ chức, phương pháp đánh giá…Những vấn đề này cần được nhận diện một cách thấu đáo qua đó xây dựng những chính sách đặc thù trong phát triển văn hóa đọc đối với thanh niên, thiếu niên trong kỷ nguyên số.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 7 tham luận trình bày của các chuyên gia đến từ Ban Tuyên giáo, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thư viện Quân đội; Thư viện Công an Nhân dân; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Hội người mù Việt Nam.
Các tham luận đã tập trung vào một số vấn đề như: đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của thanh thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin; thư viện với việc tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho tuổi trẻ quân đội trong kỷ nguyên số; tâm lý thế hệ trẻ và việc đọc; sáng kiến xây dựng một số mô hình khuyến đọc hiệu quả trong tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; nhận diện tác động của công nghệ thông tin và truyền thông đến văn hóa đọc,…Từ đó xác định hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, đồng thời trao đổi về định hướng, giải pháp đối với phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số,…
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều nhất trí quan điểm cần có chính sách đặc thù về phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên, cách thức tổ chức thực hiện cũng cần thay đổi để và đặc biệt là cần sớm triển khai phát triển tài nguyên số thư viện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Thư viện tập hợp, tiếp thu các tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội thảo để triển khai xây dựng phương hướng quản lý nhà nước mới trong lĩnh vực thư viện, phù hợp thực tiễn nhằm thúc đẩy tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số.
N.L