Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, giai đoạn 2025 – 2030, Hà Nội sẽ khôi phục, bảo tồn ít nhất 05 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển 10 làng từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”. Phát triển ít nhất 03 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm. Phấn đấu có trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận hoạt động hiệu quả; tối thiểu 80% người lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Dự kiến có trên 50% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đồng thời hỗ trợ số hóa cho những sản phẩm làng nghề này; ít nhất 30% số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt 10%/năm. Tiếp tục duy trì 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành. Phấn đấu có ít nhất 30% làng nghề có không gian trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm hoặc trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ số hóa 300 sản phẩm làng nghề; Xây dựng Vlog làng nghề Hà Nội, sổ tay điện tử làng nghề,… Xây dựng một số chuỗi giá trị liên kết đối với những nghề có nhiều làng nghề tham gia và sử dụng nhiều lao động.
Đến năm 2050, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 10 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới từ 10 nghề và 20 làng nghề, làng nghề truyền thống trở lên. Phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 20 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm. Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận hoạt động hiệu quả; 90% người lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Có ít nhất 300 làng nghề có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; ít nhất 50% số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; ít nhất 50% làng nghề có không gian trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm hoặc trên sàn thương mại điện tử. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm. Duy trì 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành. Xây dựng một số chuỗi giá trị liên kết đối với những nghề có nhiều làng nghề tham gia và sử dụng nhiều lao động.
Đối tượng thụ hưởng của đề án là doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn theo quy định của pháp luật tại các làng có nghề, làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án xác định 11 nhóm giải pháp cần thực hiện, đó là: (1) Quy hoạch làng nghề. (2) Đẩy mạnh tuyên truyền vận động và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. (4) Phát triển và ổn định nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề. (5) Cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề. (6) Thực hiện hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng Khoa học Công nghệ vào sản xuất. (7) Phát triển hệ thống cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. (8) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm OCOP. (9)Đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. (10) Chuyển đổi số cho các làng nghề. (11) Tăng cường xã hội hóa nguồn lực thực hiện Đề án.
UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai Đề án theo quy định.
Phương Uyên