Năm 2016, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) huyện Gia Lâm đã tạo ra hiệu quả chính trị – xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo nền tảng vững chắc để xây […]
Năm 2016, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) huyện Gia Lâm đã tạo ra hiệu quả chính trị – xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, toàn huyện có 62.597/ 63.645 hộ (đạt 98,4%) đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, trong đó, có 59.381/63.645 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ 93,3%; 160 thôn, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Trong đó: 124/136 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, tỷ lệ 91,1%; 36/39 Tổ dân phố đạt danh hiệu TDP văn hóa, tỷ lệ 92,3% ; 40 thôn, tổ dân phố đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt danh hiệu văn hóa 03 năm liên tục (2014-2016).
Xây dựng Gia đình văn hóa gắn với lưu giữ ngành nghề truyền thống
Thực hiện xây dựng danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, năm 2016, huyện có 12 xã giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và 02 thị trấn giữ vững danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 04 xã: Kim Sơn, Dương Quang, Dương Hà, Yên Thường đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” lần đầu.
Công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiếp tục được UBND huyện quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Năm 2016, có 118/140 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng danh hiệu (đạt 84,2%). Qua kiểm tra và đánh giá hồ sơ có 107/140 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt và giữ vững danh hiệu (đạt 76,4%).
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực hiện đúng quy ước: Trang trọng – Lành mạnh – Tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Qua công tác tuyên truyền vận động, ý thức của nhân dân đã được nâng cao, ngày càng tự giác và chủ động thực hiện. Năm 2016, toàn huyện có 1.259 đôi nam nữ kết hôn được UBND xã, thị trấn làm thủ tục đăng ký theo đúng quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng (trong đã có 1.146 trường hợp đăng ký lần 1 và 113 trường hợp đăng ký lần 2), không có trường hợp tảo hôn; thanh niên nam, nữ trước khi kết hôn đã được các tổ chức, đoàn thể phổ biến Luật Hôn nhân – Gia đình; Luật – Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới; các lễ cưới được chi đoàn thanh niên, gia đình đứng ra tổ chức trang trọng nhưng vẫn đảm bảo gọn nhẹ, tiết kiệm, việc ăn uống linh đình được hạn chế.
Đối với việc tang: Mỗi thôn, tổ dân phố đều có Ban tang lễ và có quỹ thăm hỏi, phúng viếng. Khi gia đình có người chết đã kịp thời báo chính quyền làm thủ tục khai tử, thành lập Ban tang lễ do chính quyền địa phương cùng với các đoàn thể đứng ra tổ chức. Thời gian khâm niệm cho người chết được tiến hành đúng nghi lễ, phong tục, tập quán, không để quá 36 giờ. Đối với người có bệnh truyền nhiễm được ngành y tế hướng dẫn chôn cất và không để quá 12 giờ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2016, trên địa bàn huyện có 1.116 đám tang, trong đó có 583 ca hoả táng; (đạt 52,24%), các đơn vị có số ca hỏa táng đạt tỷ lệ cao như: xã Dương Xá (đạt 92,7%), xã Đa Tốn (đạt 91,7%), xã Bát Tràng (đạt 91,1%), thị trấn Trâu Quỳ (đạt 83,3%)…
Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Năm 2016, trên địa bàn huyện có 100 lễ hội truyền thống được tổ chức tại các địa phương đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm về phần lễ, vui tươi phấn khởi về phần hội; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng và đảm bảo; việc thắp hương, đốt vàng mã tại di tích và khu vực lễ hội được hạn chế tối đa và thực hiện theo quy định của Ban tổ chức lễ hội và Ban quản lý di tích.
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, huyện đã khen và thưởng 53 tập thể đạt danh hiệu, có thành tích xuất sắc, 150 gia đình và 16 cá nhân tiêu biểu. Tổng giá trị khen thưởng 148 triệu đồng. Qua bình xét, đánh giá thành tích xây dựng phong trào, BCĐ phong trào huyện đề xuất 04 tập thể đề nghị Ban chỉ đạo phong trào của Thành phố tuyên dương, khen thưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, liên tục; Việc xây dựng các mô hình CLB Gia đình văn hóa, CLB phòng chống bạo lực gia đình ở một số địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Năm 2017, huyện đặt mục tiêu thực hiện một số chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”: 87,5%; Tỷ lệ thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”: 83,3%; Tỷ lệ TDP được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”: 77,1%; Tỷ lệ đơn vị đạt và giữ vững danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”: > 75%; Tỷ lệ thị trấn đạt và giữ vững danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”: 100%; Tỷ lệ xã đạt và giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”: 80%.
Để đạt được những mục tiêu trên, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, chú trọng việc xây dựng các chương trình, kế hoạch với những nội dung trọng tâm, trọng điểm và các chỉ tiêu cụ thể. Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của các Ban chỉ đạo, Ban vận động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, mỗi gia đình trong việc xây dựng các mô hình văn hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để nâng cao trình độ dân trí, mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân. Cùng với đó, đầu tư đồng bộ, quy chuẩn thiết bị nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
Diệp Liên