Trong năm 2021, quận Thanh Xuân đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Thành phố giao về xây dựng các danh hiệu văn hóa có hiệu quả chất lượng. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoả” là 88%, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hoá là 75%.
Với mục tiêu giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, triển khai các nội dung nhằm phát triển phong trào sâu rộng, bền vững, từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong năm 2021, quận Thanh Xuân tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ quận tới cơ sở; phát huy ý thức, tự giác của cán bộ, người dân và vai trò của cộng đồng.
Đồng thời, quận Thanh Xuân cũng tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát từ quận đến cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”… để các danh hiệu này thực sự là những điển hình văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, quận cũng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống, ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội.
Cụ thể, với phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, quận Thanh Xuân chú trọng duy trì và đổi mới các nội dung, hình thức hoạt động nhằm đạt được mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đưa thêm các tiêu chí về bình đẳng giới, gia đình không bạo lực, gia đình nộp đầy đủ các loại thuế và phí theo quy định vào chỉ tiêu bình xét công nhận.
Trong phong trào xây dựng “Tổ dân phố văn hóa”, quận duy trì và đổi mới các nội dung, hình thức hoạt động. Tập trung tuyên truyền, xây dụng mô hình, điển hình của tổ dân phố trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị; tổ dân phố không có quảng cáo rao vặt; thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội… gắn các hoạt động của tổ dân phố với các phong trào hoạt động tự quản của các chi hội, đoàn thể. Quận cũng duy trì, tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 Không”: Không rác; Không có vi phạm pháp luật; Không để xảy ra trường hợp cháy nổ; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Không vi phạm trật tự xây dựng. Triển khai thực hiện mô hình mới đảm bảo thực chất, tránh hình thức, tạo hiệu quả thiết thực.
Với phong trào xây dựng danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, quận tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký xây dựng danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
Để chất lượng các mô hình văn hoá được nâng cao, quận Thanh Xuân thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh các phường; tuyên truyền trực quan bằng băng-zôn, banner, khẩu hiệu… tại các tuyến đường chính của quận, phường về vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt, tích cực xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa… Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện tốt 02 Bộ quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành về quy tắc ứng xử nơi công sở và quy tắc ứng xử nơi công cộng; Phát động phong trào thi đua, tổ chức các hội thi để lôi cuốn mọi lực lượng trong xã hội tham gia thực hiện các nội dung phong trào; thống nhất quy trình, tiến độ tổ chức đăng ký, kiểm tra bình xét các mô hình văn hóa.
Lương Châu