Văn hóa cơ sở

Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo: “Lạt mềm buộc chặt”

Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo vừa mới được Bộ VHTTDL ban hành nhằm mục đích tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh bất cập và đưa lĩnh vực này đi vào nề nếp. Nói cách khác, đây là sự ứng xử “lạt mềm buộc chặt”.

Phù hợp với những chuẩn mực đạo đức

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian nghiên cứu, soạn thảo và tham khảo các Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo của một số quốc gia, các Bộ quy tắc ứng xử thuộc các ngành nghề tại Việt Nam, Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chính thức ký ban hành.

Quy tắc ứng xử nhằm đưa lĩnh vực quảng cáo đi vào nề nếp

“Bộ quy tắc được giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo đánh giá cao về giá trị thực tiễn và tính khả thi khi được xây dựng trên cơ sở nền tảng là thực trạng hoạt động quảng cáo trong nước…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.

Bà Hương cho biết thêm, Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo là công cụ hỗ trợ thực thi hệ thống pháp luật, tạo thêm kênh thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đóng góp cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, bộ quy tắc sẽ là “cẩm nang” hữu hiệu để tăng cường vai trò quản lý, giám sát của mọi các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, đảm bảo tính trung thực, chính xác, thể hiện trách nhiệm xã hội, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc.

Theo đó, Quy tắc nhấn mạnh, hoạt động quảng cáo phải thể hiện trách nhiệm xã hội và phù hợp đạo đức, văn hóa Việt Nam. Cụ thể, các nội dung quảng cáo phải tôn trọng nhân phẩm và không khuyến khích, khêu gợi, ủng hộ hoặc dung túng đối với bất cứ một hình thức phân biệt đối xử nào; quảng cáo không có các nội dung giễu cợt, trêu đùa với nỗi sợ hãi hoặc khai thác nỗi bất hạnh, đau khổ của con người.

“Quảng cáo không chứa đựng nội dung phản cảm, khiêu dâm, dung tục, trụy lạc, xúc phạm đến giá trị đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Quảng cáo không có nội dung làm giảm sự phê phán của người xem đối với hành vi tội phạm, bạo lực và các hành động sai phạm khác. Quảng cáo không sử dụng các nội dung mang tính khuyến khích, ủng hộ hoặc dung túng các hành vi gây hại cho môi trường và cộng đồng”…, Quy tắc nêu rõ.

“Cứu vãn” niềm tin ít ỏi

Việc ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo cũng thể hiện sự hòa nhập của ngành quảng cáo Việt Nam với khu vực và quốc tế trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đã và đang tiến hành xây dựng, thực thi quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn quảng cáo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động quảng cáo và kinh tế thế giới.

Quy tắc ứng xử chấn chỉnh những quảng cáo sai sự thật

Một thời gian dài lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam dù có tiềm năng dồi dào nhưng lại hoạt động thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến bức tranh nhiều mảng màu lộn xộn, tùy tiện. Không ít quảng cáo trục lợi, gian dối, thiếu trung thực đã bỏ qua quyền lợi chính đáng của khách hàng, khiến dư luận nhiều lần bức xúc.

“Nhằm chấn chỉnh và khắc phục những bất cập nổi cộm này, Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo được soạn thảo, ban hành với bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đạo đức xã hội được quy định cụ thể như: Tính trung thực, chính xác, trách nhiệm xã hội, quảng cáo ảnh hưởng đến trẻ em… Đây sẽ là công cụ để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, biểu dương các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo nghiêm túc, góp phần tạo nên hệ giá trị xã hội chuẩn mực. Đồng thời, bộ quy chuẩn này sẽ đào thải các doanh nghiệp có những ứng xử sai lệch, thực hiện không nghiêm túc những quy chuẩn trong lĩnh vực này…”, Ban soạn thảo cho hay.

Những nội dung này được bộ quy tắc nhấn mạnh ở những nguyên tắc: Quảng cáo phải đảm bảo tính hợp pháp, trung thực, chính xác. “Quảng cáo không lạm dụng lòng tin của người tiêu dùng hoặc lợi dụng sự thiếu kiến thức và kinh nghiệm của người tiêu dùng. Những yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng phải được truyền đạt khách quan, tạo điều kiện cho người tiêu dùng cân nhắc về quyết định của mình”, Quy tắc nhấn mạnh.

Việc ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng định hướng nói trên cũng nhằm nâng cao ý thức tự quản của cộng đồng doanh nghiệp, xác định được vị trí, vai trò của hoạt động quảng cáo trong nền kinh tế xã hội. Đặc biệt là tạo niềm tin với người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu quảng cáo Việt Nam cạnh tranh với ngành quảng cáo trong khu vực và trên thế giới. “Những quảng cáo thông tin sai lệch, vì mục đích lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua đã khiến cho niềm tin của người tiêu dùng ngày càng trở nên ít ỏi. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại mà việc ban hành Quy tắc ứng xử được hi vọng sẽ là một “liều thuốc” để trị liệu hiệu quả…”, bà Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.

Cục Văn hóa cơ sở lưu ý thêm, dựa trên các nguyên tắc chung tại Quy tắc ứng xử, Hiệp hội Quảng cáo VN có trách nhiệm tổ chức xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo đối với ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Báo Văn hóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *