Lễ hội

Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025”. Đây được coi là cuộc tổng kiểm kê nhằm nâng cao quản lý, thống nhất chuyên môn hóa về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.

Ảnh minh hoạ: Lễ hội chùa Hương.

Lễ hội là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là sinh hoạt văn hoá gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng. Những năm gần đây, đất nước ta thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Trong xu thế này, các hoạt động văn hóa truyền thống trong đó có lễ hội đã được phục hồi, phát huy góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Lễ hội đã góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn vì lợi ích của toàn xã hội. Các lễ hội được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thông qua các lễ hội, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, không khí dân chủ trong xã hội được tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp cho việc quản lý, thống nhất chuyên môn hóa về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.

Đề án sẽ tập trung thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; góp phần chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống.

Mục tiêu chung đặt ra của Đề án là thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động lễ hội và khai thác cung cấp thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian; góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội. Đồng thời chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống. Qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội.

Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Những dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả. Cùng với đó là việc đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam.

Đề án sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu các loại hình lễ hội tại Việt Nam bao gồm: Lễ hội truyền thống, Lễ hội văn hóa, Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Đề án số hóa sẽ triển khai các nội dung cụ thể như: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hàng năm.

Việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về lễ hội Việt Nam cho phép lưu trữ, quản lý, khai thác và báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa và điều tra thống kê, đảm bảo việc tra cứu thuận tiện đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lễ hội, có khả năng tích hợp, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ VHTTDL, hệ thống đảm bảo an toàn dữ liệu. Từ cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm, sẽ được đẩy lên Cổng thông tin lễ hội Việt Nam (đầu tư xây dựng đồng thời cùng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu), kết nối Internet phục vụ nhu cầu tra cứu và sử dụng của bạn đọc và quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam.

Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021 – 2022 sẽ tiến hành điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam. Giai đoạn II từ 2023 – 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành.

Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai Đề án kịp tiến độ. Yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp cung cấp dữ liệu, số liệu điều tra thống kê các hoại hình lễ hội truyền thống của địa phương đảm bảo theo yêu cầu; Hàng năm cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu lễ hội của địa phương. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tra cứu các số liệu về lễ hội tại Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam, thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *