Với 38 tác giả và nhóm tác giả đạt giải trên tổng số gần 300 tác phẩm tham dự, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I-2018 do Thành ủy Hà Nội phát động cho thấy sức hút của một đề tài […]
Với 38 tác giả và nhóm tác giả đạt giải trên tổng số gần 300 tác phẩm tham dự, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I-2018 do Thành ủy Hà Nội phát động cho thấy sức hút của một đề tài gần gũi nhưng cũng đầy thách thức: Xây dựng, bồi đắp nền tảng văn hóa Hà Nội trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống.
Câu chuyện sinh động là chất liệu cho tác phẩm
Với mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I-2018 do Thành ủy Hà Nội phát động đặt ra nhiều tiêu chí cho tác phẩm dự thi. Trong đó, nổi bật là không chỉ thu hút độc giả mà còn tạo được hiệu ứng tích cực, định hướng thẩm mỹ người đọc.
Đó là những bài viết phản ánh kết quả, thành tựu nổi bật, phát hiện gương điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Những yêu cầu này vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời mang lại sức hấp dẫn đối với những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung khi tham gia sân chơi bổ ích và ý nghĩa này.
Là một trong những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được đánh giá cao của giải, nhà báo Trần Hồng Vân, Phó Trưởng ban Điện tử, Báo Hànộimới chia sẻ: Xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử luôn là một đề tài khó. Khai thác chủ đề này dưới hình thức một tác phẩm báo chí đa phương tiện (Megastory) bảo đảm chiều sâu và sức lan tỏa lại càng là mục tiêu không dễ chinh phục. Xác định yếu tố làm nên tác phẩm là những nhân vật, nhân chứng lịch sử mang tính điển hình, những chi tiết đắt giá, câu chuyện sinh động, Ban Điện tử, Báo Hànộimới đã lên ý tưởng cho vệt bài, giao phóng viên tìm kiếm thông tin theo tuyến, làm sao để giải đáp được câu hỏi cũng là nguyện vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô là giữ mãi thương hiệu thanh lịch, văn minh cho Hà Nội, mà trước hết bắt đầu từ chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Còn nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh, Báo Kinh tế & Đô thị, một trong các tác giả của loạt bài “Lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn” lại cho rằng: Trên lộ trình xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử cho Thủ đô Hà Nội có không ít “nút thắt” tai hại, cần được vô hiệu hóa. Nhiều ngày, tôi cùng đồng nghiệp lăn lộn tại các điểm công cộng như Sân bay quốc tế Nội Bài, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận để lật tẩy những chiêu trò lừa đảo, chèo kéo, chặt chém du khách… gây ảnh hưởng không nhỏ cho ngành Du lịch Thủ đô. Loạt bài đã tạo được hiệu ứng xã hội trên Báo điện tử Kinh tế & Đô thị. Ngay sau loạt bài, lực lượng an ninh quận Hoàn Kiếm, Sân bay Nội Bài cũng đã tích cực ra quân xử lý vi phạm. Nhân vật “cò” taxi bị nêu trong bài viết đã chủ động đến trụ sở báo xin được kết nối với du khách, hoàn trả số tiền thu sai. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn cho những người làm báo chúng tôi tiếp tục dấn thân, cống hiến.
Chú trọng hiệu ứng xã hội
Với mục đích tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, chỉ sau 5 tháng phát động, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I-2018 đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội với gần 300 tác phẩm tham dự, trong đó có 215 tác phẩm báo in, báo điện tử; 48 tác phẩm phát thanh, truyền hình… thể hiện ở nhiều thể tài báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực giải Tô Quang Phán cho biết: Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, trong vòng 10 ngày, Hội đồng sơ khảo đã hoàn thành việc chấm tác phẩm trên tinh thần đề cao giá trị tác phẩm, chú trọng hiệu ứng xã hội. 80 tác phẩm vào vòng chung khảo đều có chất lượng cao, phản ánh được chủ đề thông qua nhiều góc cạnh xã hội. 38 tác phẩm xuất sắc nhất được chọn trao 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C và 20 giải Khuyến khích, để vinh danh chính thức tại lễ trao giải sẽ tổ chức vào ngày 17-12.
Các bài viết được lựa chọn trao giải chủ yếu là những vệt bài, chuyên đề được các tác giả đầu tư công phu. Đây cũng vẫn là cách làm hiệu quả nhất, có sức mạnh nhất để có thể truyền tải nội dung sâu đậm, đi đến tận cùng của vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu, như: “Thiên thần Hải An và hành trình trao tặng ánh sáng” của kênh truyền hình VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam; “Để mãi thanh lịch, văn minh” của nhóm phóng viên Ban Điện tử, Báo Hànộimới; “Nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến” của nhóm tác giả Văn Cảnh, Đinh Thuận, Thông tấn xã Việt Nam…
Tác giả Tuệ Minh, Báo Nhân Dân chia sẻ: Chủ đề làm thế nào để xây dựng văn hóa người Hà Nội vẫn là đề tài hấp dẫn, được độc giả quan tâm, đón nhận. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cũng thường xuyên có những bài viết về vấn đề này, tuy nhiên thường phân tán, không phải lúc nào cũng có chất lượng cao.
Một giải báo chí được tổ chức đã góp phần khuyến khích đội ngũ nhà báo tìm tòi, sáng tạo và mổ xẻ sâu hơn những vấn đề còn bất cập, đồng thời tích cực phát hiện những mô hình hay, những cách làm mới. Những tác phẩm có chất lượng sẽ góp phần hình thành dư luận ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, qua đó tích cực củng cố, bồi đắp văn hóa người Hà Nội. Đây mới chỉ là khởi đầu cho những tác phẩm xuất sắc viết về một đề tài hay nhưng không kém hóc búa là củng cố, bồi đắp văn hóa. Các cuộc thi ở những năm sau sẽ còn thu hút được nhiều cây bút lớn, tác phẩm hay đóng góp cho đề tài xây dựng văn hóa Hà Nội.
Theo Báo Hànộimới