Bảo tồn - Bảo Tàng

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ được công nhận bảo vật quốc gia

Ngày 30/01/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), cùng với 26 hiện vật khác, sưu tập vũ khí trường Giảng Võ, niên đại thế kỷ XV – XVIII hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội được công nhận bảo vật quốc gia.

Trường Giảng Võ (Giảng Võ Trường) là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích trường Giảng Võ đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học. Bắt đầu từ những phát hiện lẻ tẻ hiện vật vũ khí tại Trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy (nay là trường Đại học Giao thông Vận tải) và đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học ở hồ Ngọc Khánh (Ba Đình – Hà Nội) năm 1983 với bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại phong phú bậc nhất của thời Trung đại cho phép xác định khu vực này là trường Giảng Võ thời Lê.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 02 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).
Bạch khí có 03 loại theo công năng sử dụng gồm vũ khí đánh gần, vũ khí đánh xa và vũ khí phòng ngự.

Giáo 1 ngạnh

Vũ khí đánh gần gồm 06 loại: Giáo, mũi trường, câu liêm, đinh ba, qua và kiếm. Theo các nhà nghiên cứu, vũ khí đánh gần thường được trang bị cho bộ binh và kỵ binh. Loại vũ khí này phổ biến trong tất cả các sưu tập bạch khí của các nước và đặc biệt đối với quân đội của một nước có truyền thống đánh giặc tự vệ và cận chiến như nước ta. Vũ khí đánh gần trong sưu tập vũ khí trường Giảng Võ có số lượng 40 hiện vật, chiếm 36% sưu tập.

Vũ khí đánh xa trong sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 03 loại: lao 2 ngạnh, móc câu chùm và mũi tên với số lượng 50 hiện vật (42 mũi tên), chiếm 45% sưu tập. Trong bạch khí, vũ khí đánh xa là những vũ khí có khả năng sát thương đối phương trong một khoảng cách xa hơn tầm của vũ khí cầm tay, sức đẩy của vũ khí đi xa do sức đẩy của cơ học (hoặc cơ bắp con người).

Vũ khí phòng ngự là loại vũ khí dùng để bẫy hoặc chặn đường rút lui của quân địch. Vũ khí phòng ngự trong sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 02 loại chông: chông củ ấu và chông cắm, mỗi loại chỉ có 01 hiện vật, chiếm 1,8% sưu tập.

Câu liêm

Hỏa khí ở sưu tập này là những vũ khí vận hành bằng thuốc súng. Có 02 loại: súng lệnh và đạn đá với số lượng 19 hiện vật (18 viên đạn đá), chiếm 17,2% sưu tập. Đặc biệt là súng lệnh có khắc chữ “Công tự tam bách thập thất hiệu” có nghĩa là “hiệu chữ công số 317”. Đây là số hiệu chính quy do triều đình đúc bằng hợp kim đồng và cấp phát cho các đơn vị quân đội. Súng được sử dụng xem như khí tài huấn luyện của trường đấu võ xưa. Khi mới phát hiện vẫn còn dấu vết cán gỗ đóng chốt ở phần đuôi. Súng lệnh nòng trơn nhồi thuốc từ đầu nòng và phát hỏa bằng dây cháy chậm.

Súng lệnh

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ phát hiện năm 1983 đều tập trung trong phạm vi công trường thi công mở rộng hồ Ngọc Khánh. Đây là nơi diễn ra hoạt động của khu vực Giảng Võ trường trải qua các triều đại kể từ Lê Sơ, qua triều Mạc đến triều Lê Trung Hưng. Các loại hình hiện vật được chế tạo bằng phương pháp thủ công nên rất ít có sự thay đổi. Hơn nữa, tình hình tư liệu tra cứu còn hạn chế, không có điều kiện so sánh đối chiếu. Do vậy, việc định niên đại cho sưu tập đã xếp vào thời Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng, thế kỷ XV – XVIII.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ được công nhận là Bảo vật quốc gia bởi đây là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học quân sự.

Cho đến nay, đây là sưu tập vũ khí độc đáo, loại hình phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nhất, tập trung nhất, có niên đại thời Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay. Theo GS.TS Đỗ Văn Ninh, sưu tập vũ khí này là một trong những bộ di vật hiếm quý vào bậc nhất so với tất cả những phát hiện dưới lòng đất Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội. Phần lớn các loại hình vũ khí trong sưu tập đều có tên trong binh chế thời Lê đã được Phan Huy Chú liệt kê trong “Lịch triều hiến chương loại chí”. Đây cũng là bộ sưu tập hoàn chỉnh với đấy đủ các loại hình bạch khí và hỏa khí, trong đó bạch khí chiếm số lượng lớn (83%), đa dạng về loại hình so với hoả khí (chỉ có súng lệnh và đạn) chiếm 17%. Trong bạch khí, chủ yếu là loại vũ khí đánh gần và vũ khí đánh xa, còn vũ khí phòng ngự chiếm tỷ lệ thấp (1,8 %). Tuyệt đại đa số sưu tập vũ khí trong sưu tập được làm từ kim loại sắt (súng lệnh được đúc bằng hợp kim đồng và đạn bằng đá).

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ chủ yếu chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công, (mũi tên, súng lệnh được đúc) nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam hiện biết. Ngoài sưu tập vũ khí, các nhà khảo cổ đã phát hiện các dấu tích của lò bễ, các cục xỉ sắt và những phác vật vũ khí đang chế tạo dở dang cho thấy những vũ khí được đúc tại chỗ là chứng minh rõ ràng rằng Giảng Võ trường ngoài vai trò là nơi đào tạo, huấn luyện binh sĩ còn là địa điểm tự cung cấp vũ khí, quân trang quân dụng, phục vụ việc rèn luyện đào tạo quân đội. Đặc biệt, khi mới phát hiện hầu hết vũ khí đều có tra cán bằng tre hoặc gỗ cũng cho thấy sưu tập vũ khí đều đã và đang được dùng làm công cụ tập luyện để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Giáo hình ngòi bút

Với phát hiện sưu tập vũ khí ở hồ Ngọc Khánh, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã xác nhận đã sự tồn tại của trường Giảng Võ phù hợp với sử sách ghi lại là cơ quan chuyên đào tạo, huấn luyện võ quan và binh sĩ để chiến đấu bảo vệ đất nước. Do những biến động của lịch sử, trường Giảng Võ không còn, nhưng chúng ta đã xác định được chắc chắn rằng di tích này đã từng tồn tại ở khu vực Ngọc Khánh, phía Tây kinh thành Thăng Long mà sử sách đã ghi.

Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV – XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam. Cùng với 04 nhóm hiện vật (tổng cộng 24 hiện vật) đã được công nhận là bảo vật Quốc gia tại các Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 và Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia gồm: Trống đồng và bộ sưu tập lưỡi cày đồng phát hiện ở Mả Tre (năm 1982), chuông Thanh Mai, chân đèn gốm thời Mạc và Long đình gốm Bát Tràng sẽ là điểm nhấn quan trọng trong thiết kế trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Trong thời gian tới, khách thăm quan và các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về sưu tập quý hiếm này, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho người dân cả nước.

BTHN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *