Sáng 26/1/2019 (21 tháng Chạp năm Mậu Tuất), tại Thềm Rồng Điện Kính Thiên, khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long và các đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình Tết Táo quân tiễn năm Mậu Tuất, đón năm Kỷ Hợi 2019.
Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động và nghi thức truyền thống diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, với mong muốn gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa ngày xuân của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham gia của hơn 100 kiều bào tiêu biểu, những người con đất Việt xa quê hương, luôn hướng về quê cha đất tổ, hướng về Xuân quê hương Việt Nam.
Trong tâm thức của người Việt Nam, Tết nguyên đán là ngày lễ thiêng liêng chào đón mùa xuân mới và tưởng nhớ cội nguồn tiên tổ. Lễ cúng Táo quân 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là phong tục lâu đời của người Việt, phong tục khởi đầu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tiễn năm cũ, đón năm mới với bao hy vọng ấm no, an lành và hạnh phúc.
Trong hoàng cung Thăng Long xưa kia, các nghi lễ ngày Tết được thực hiện rất trang trọng, nghiêm cẩn, thể hiện rõ ý nghĩa “Tống cựu nghinh Xuân”, tiễn năm cũ đi để đón năm mới về, bao gồm một chuỗi các lễ thức như Lễ ban sóc (24/12 AL), Lễ Tiến Xuân Ngưu (vào tiết lập xuân trước Tết), Lễ phất thức (lau ấn tín, phong ấn), Lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu)…
Lễ tiến lịch ( Lễ ban sóc) là một nghi lễ quan trọng của triều đình vì từ bao đời nay, lịch giữ một vị trí đặc biệt trong quan niệm, đời sống sinh hoạt của người phương Đông. Đối với các vương triều, lịch được xem là lệnh trời ban cho dân để làm nông vụ và tế lễ. Vua là thiên tử, thay trời trị vì thiên hạ nhận lịch từ đấng tối cao và ban cho thần dân. Công việc làm lịch hằng năm được Tư thiên giám tính toán, sau khi được chuẩn y giao cho Trung thư giám viết lại và in khắc. Đến gần cuối tháng 12 âm lịch (24/12 AL) làm Lễ tiến lịch (thời Nguyễn gọi là ban sóc) tại sân Đan Trì. Trong buổi Lễ, bá quan đều mặc phẩm phục nghiêm trang thực hiện nghi lễ. Tư thiên giám tiến lịch hoàng lịch năm mới, nhà vua ban lịch cho cho thiên hạ.
Lễ Phất thức (Lễ Phong ấn) là lễ lau chùi ấn tín, một nghi thức biểu thị việc tạm ngừng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết, thời Nguyễn thường vào ngày 20 tháng Chạp. Vào ngày này, trước sự hiện diện của nhà vua ở điện Cần Chánh, các quan văn võ hàm nhất phẩm nhị phẩm trở lên mặc phẩm phục cùng các nhân viên Nội Các, Cơ Mật thực hiện nghi lễ rửa ấn tín bằng nước thơm sau đó lau bằng vải đỏ. Rửa xong, cho vào tủ khóa lại bên ngoài dán giấy niêm phong ghi hai chữ “Hoàng Phong” (vì thế Lễ Phất thức còn gọi là Lễ Phong ấn). Sau lễ này, vua và các quan tạm dừng công việc không dùng ấn nữa, cho đến đầu năm mới, chọn ngày tốt làm lễ khai ấn, lúc này, các công việc mới được tiến hành trở lại. Tại Thăng Long, lễ phong ấn không được chép rõ ràng như thời Nguyễn nhưng chắc chắn nghi lễ này đã được thực hành rất phổ biến dưới thời Lê, bằng chứng rõ nhất là các thương lái nước ngoài như Samuel Baron có thời gian ở thăng Long cho rằng Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 25/12 âm lịch khi Ở phủ quan, cái ấn lật ngược lúc đó đặt trong một cái hộp, mặt chênh đúng một tháng.
Lễ Thướng tiêu, dựng cây nêu ngày tết được diễn ra khoảng ngày 23 – 30/12 AL. Đây là nghi thức truyền thống trong Tết Nguyên Đán của người Việt mang màu sắc phật giáo và tín ngưỡng dân gian, với mong muốn xua đuổi điều không tốt và cầu may mắn. Cây nêu trong cung đình được nhà vua dựng lên ở nhiều vị trí khác nhau trước chính điện thiết triều và các miếu điện. Cây nêu cao vút còn là biểu tượng báo hiệu Tết đến xuân về. Khi cây nêu của trong cung vua dựng lên, nhân dân trong ngoài kinh thành mới tiến hành dựng nêu trong phủ và nhà riêng của mình.
Lễ cúng ông Công ông Táo, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, hay còn gọi là “lễ cúng Táo quân”. Đây là một phong tục dân gian lâu đời và duy trì đến ngày nay. Nghi thức này trong cung đình diễn ra như thế nào thì không có tài liệu mô tả, tuy nhiên, chỉ biết rằng triều đình nhà Lê quy định lễ phẩm trong lễ cúng Táo quân, là “12 phẩm oản, một mâm chè, một con lợn, giấy vàng, giấy bạc, trầu cau, hương, dầu”.
Trong buổi lễ, các du khách được tìm hiểu, nghiên cứu các nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết nguyên đán. Đặc biệt, các du khách còn được trải nghiệm hai nghi thức truyền thống quan trọng trong dịp Tết cổ truyền: đó là Lễ cúng ông Công ông Táo và Lễ thướng tiêu (dựng cây nêu).
Đoàn rước cá chép với Đội nhạc bát âm đi đầu tiến sang khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.
Nghi thức thả cá chép xuống dòng sông cổ trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Sau đó, đoàn rước tiến ra Đoan Môn để làm lễ dựng nêu.
Sân Đoan Môn được trang hoàng rực rỡ với biểu tượng Rồng Thăng Long và muôn hoa khoe sắc.
Các đại biểu làm lễ dựng cây nêu.
Cây nêu từ từ được dựng lên trước Đoan Môn
Những chiếc khánh đất được treo lên để cầu mong sự may mắn, bình an.
Cây nêu báo hiệu Xuân về đã được dựng lên trong không gian đầy sắc xuân của quảng trường Đoan Môn.
Một mùa xuân mới tươi vui đã về với mọi nhà, mọi người.
HTTL
Theo MaskOnline