Chiều 23/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức Lễ hội lớn trên địa bàn thành phố năm 2024. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng đã báo cáo việc triển khai các văn bản về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 tới 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Cũng theo ông Bùi Minh Hoàng, một số quận, huyện đã chủ động gửi văn bản báo cáo về Sở từ sớm về việc tổ chức lễ hội trên địa bàn.
Thống kê từ báo cáo của các địa phương gửi lên, trong năm 2024 sẽ có khoảng hơn 1.500 lễ hội được tổ chức. Trong đó có một số lễ hội kéo dài từ 3 ngày đến 3 tháng như lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Thông tin tại Hội nghị, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai cho biết: “Sau khi Thành phố ban hành văn bản 4367/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu UBND quận ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận năm 2024. Và 8/1/2024, quận tiếp tục ban hành văn bản về đảm bảo công tác an ninh, trật tự trên địa bàn quận và triển khai đến 76 di tích và 21 phường… Đối với Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa sẽ diễn ra từ 14/2 – 16/2 (từ mùng 5 đến mùng 7 Âm lịch). Hiện nay, các kế hoạch tổ chức, công tác chỉnh trang đô thị đã hoàn thiện. Trong các ngày diễn ra sự kiện, BTC đã sắp xếp nơi trông giữ xe riêng, không thu phí; tăng cường quản lý đảm bảo không có kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên lễ hội. Sau phần nghi lễ trang nghiêm vào ngày mùng 5, phần hội sẽ diễn ra 2 ngày, trong đó Thành phố có tăng cường 1 đêm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội”.
Với Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội), Phó trưởng phòng phụ trách phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mê Linh Trần Thị Lan cho biết, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 16 đến 18/2 (mùng 6 đến mùng 8 Âm lịch). Theo kế hoạch dự kiến, năm nay, phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu với UBND huyện sẽ khai mạc lễ hội vào 7h30 tối, sau phần lễ dâng hương sẽ có trình chiếu 3D Mapping một bộ phim phục dựng lại cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (hiện nay đang dự thảo kịch bản).
Tại huyện Sóc Sơn, theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tống Giang Phúc cho biết, toàn huyện có 174 lễ hội, phần lớn tập trung vào đầu xuân, lễ hội diễn ra sớm nhất là vào mồng 4 Tết. Đối với lễ hội Đền Sóc, BTC lễ hội cũng đã triển khai công tác chuẩn bị sớm về cơ sở vật chất. Đến nay, lễ vật, lễ phẩm của 8 thôn làng đã chuẩn bị xong. Về phần hội, BTC đề xuất thời gian tổ chức từ 7 giờ sáng thay vì từ 6 giờ đến 6 giờ 30 hàng năm. Năm nay, lễ hội Đền Gióng có điểm mới, với quan điểm phần hội là của người dân và dành phần nhiều cho sự tham gia của nhân dân. Do đó, công tác chuẩn bị về mặt bằng đã được lên kế hoạch, toàn bộ khu vực 2 của Đền Gióng sẽ trở thành nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội, nơi diễn ra các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa Gióng và chùm hoạt động văn nghệ hát dân ca với sự tham gia của người dân các thôn làng, các xã. Dự kiến lễ hội năm nay sẽ có 9 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người.
Về vấn đề “cướp lộc” như phản ánh của các cơ quan báo chí phản ánh những năm qua, ông Tống Giang Phúc bày tỏ: “Theo quan niệm dân gian, giò hoa tre và trầu là vật phẩm có ý nghĩa cầu may cho gia đình hạnh phúc, trai gái đủ đầy… Trước đây, hội chỉ diễn ra trong khuôn khổ làng, chỉ người làng mới tham gia và mới được tranh lộc. Ngày nay, lễ hội mở rộng hơn, với sự tham gia của người dân cả nước. Thực tế việc “cướp lộc” như báo chí phản ánh ở địa phương là hoạt động “tất lộc”. Tôi rất mong muốn cơ quan báo chí cùng đồng hành với huyện trong việc truyền thông để nêu đúng nét đẹp văn hóa của lễ hội Đền Sóc. Với góc độ tổ chức, BTC đã có phương án để đảm bảo hoạt động “tất lộc” vẫn sẽ diễn ra theo đúng với di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, hạn chế tối đa việc xảy ra lộn xộn trong hoạt động “tất lộc””.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương chuẩn bị thật chu đáo cho mùa lễ hội 2024, trong phần lễ phải tuân thủ quy định truyền thống của địa phương; tổ chức trang trọng, chuyên nghiệp thể hiện giá trị riêng có của địa phương; phần hội phải thể hiện rõ bản sắc văn hoá của địa phương – hướng tới xây dựng sản phẩm văn hoá đặc trưng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, các địa phương thực hiện tốt “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường; đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… Tăng cường công tác kiểm tra, duy trì nét đẹp của lễ hội; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên báo chí, website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.
Tại Hội nghị, các quận, huyện, thị xã đã cùng ký cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”.
Thảo Nguyên