Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức kiểm tra huyện Đông Anh về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2018.
Theo báo cáo kết quả thực hiện 02 quy tắc ứng xử năm 2018 trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết, gắn với chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2018, huyện Đông Anh đã triển khai phát động thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Huyện đã xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức hàng tuần, hàng tháng, hàng quý gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Phát động thi đua, hướng dẫn các đơn vị, UBND các xã, thị trấn đánh giá, xếp loại, đề xuất khen thưởng, biểu dương các cá nhân thực hiện tốt quy tắc ứng xử. Xây dựng tiêu chí đánh giá và xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử, đồng thời xây dựng quy chế xử lý vi phạm phù hợp với đặc thù đơn vị, đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử. Phát động thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử trong các phòng, ban chuyên môn, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, UBND các xã, thị trấn, trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện.
Vận động các tổ chức, gia đình, cá nhân trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn chuẩn văn minh đô thị.
Thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Quy tắc ứng xử tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện công tác kiểm tra công vụ tại các đơn vị gắn với giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ tại từng đơn vị; 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện niêm yết 10 yêu cầu đối với cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và cá nhân.
Tập trung quản lý chất lượng công việc gắn với chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, đôn đốc gắn với xếp loại đánh giá thi đua hàng quý.
Phối hợp với các Ban quản lý di tích, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội từ huyện đến các xã, thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: phát thanh tuyên truyền, niêm yết quy tắc, nhắc nhở người dân, du khách thập phương trực tiếp hoặc trên hệ thống truyền thanh.
Tại các di tích, lễ hội, đặc biệt là lễ hội Cổ Loa, đền Sái phát thanh liên tục trong ngày từ 7h00 đến 18h00 tuyên truyền về các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhắc nhở người dân và du khách thập phương thực hiện đúng nếp sống văn minh nơi thờ tự và tại khu vực diễn ra lễ hội.
Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ; có phong cách ứng xử văn minh. Xây dựng nề nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính; tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ. Tăng cường sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành kỷ cương của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai bằng nhiều hình thức, phổ biến, quán triệt đến các ban, ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện. Gắn với các hội nghị, tọa đàm, lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt hàng tháng, hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa các cấp.
Tính đến ngày 20/11/2018 đã có 148/155 thôn làng, 28/29 nhà văn hóa tổ dân phố thuộc thị trấn Đông Anh triển khai lắp đặt niêm yết bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng tại nhà văn hóa. 239/240 di tích lịch sử đã lắp đặt, niêm yết trích dẫn nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tổ chức thành công hội thi Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện, tham gia hội thi Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng thành phố Hà Nội năm 2018. 100% thôn, làng, tổ dân phố tổ chức tọa đàm quy tắc ứng xử nơi công cộng, qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng; tạo nề nếp, duy trì thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế tại thôn, làng, tổ dân phố; hội nghị tọa đàm góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy vậy, bên cạnh những nơi làm tốt vẫn còn những nơi triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử mang tính hình thức. Điển hình như tại nhà văn hóa thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, bảng niêm yết Quy tắc ứng xử lắp đặt ở cuối phòng, cùng chỗ với nơi chồng xếp bàn ghế, biển quảng cáo kém trang trọng, ít được người dân quan tâm. Tại đình làng Tó, xã Uy Nỗ, bộ Quy tắc ứng xử được dán bằng băng dính lên cửa đình, thiếu thẩm mĩ, chưa phù hợp với không gian văn hóa.
Ngay tại các cơ quan, công sở trên địa bàn các quận, huyện, Quy tắc ứng xử in chữ nhỏ, khổ nhỏ hoặc treo ở vị trí không phù hợp, chưa tạo ấn tượng cho công chức và người dân đến làm việc. Đáng nói, nhiều cán bộ, công chức còn chưa ý thức thực hiện tốt các quy định trong Quy tắc ứng xử. Chính vì vậy mới xảy ra các trường hợp cán bộ bộ phận một cửa có thái độ ứng xử không phù hợp với công dân, hoặc cán bộ còn chểnh mảng trong công việc.
Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền mang tính lâu dài, công tác kiểm tra, giám sát đang được tiến hành để nhân rộng các điển hình tốt và kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả thực sự.
Huyền Nhâm
Theo MaskOnline