Văn hóa cơ sở

Tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 trên địa bàn quận Hà Đông

Xuân Giáp Thìn 2024, trên địa bàn quận Hà Đông sẽ diễn ra 48 lễ hội, trong đó có 5 lễ hội đại đám, gồm: Lễ hội Nghĩa Lộ (phường Yên Nghĩa) diễn ra từ ngày mùng 7-10 tháng Giêng; lễ hội Do Lộ (phường Yên Nghĩa) từ ngày mùng 9-10 tháng Giêng; lễ hội Văn Nội (phường Phú Lương) từ ngày 11-12 tháng Giêng; lễ hội Tân Tiến (phường Biên Giang) từ ngày 13-15 tháng Giêng; lễ hội Cầu Đơ (phường Hà Cầu) từ ngày 14-16 tháng Giêng.

Lễ hội được tổ chức sớm nhất là lễ hội đình Thượng Mạo (phường Phú Lương) vào ngày mùng 3 Tết và lễ hội tổ chức muộn nhất là lễ hội đình Thị Mai Lĩnh, phường Đồng Mai vào ngày 8 tháng Ba âm lịch.

Lễ hội là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh các bậc hiền tài đã có công dựng nước và giữ nước; những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, dân tộc, được suy tôn; các đấng thần linh giúp con người hướng về điều thiện. Đồng thời lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Các lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn, các phường của quận Hà Đông có lễ hội đã ban hành Nghị quyết của Đảng ủy, trong đó có nội dung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ dân phố thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân. UBND các phường ban hành kế hoạch về quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn; kiện toàn Ban Quản lý di tích, thành lập Ban Tổ chức lễ hội; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ…

UBND quận Hà Đông thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Qua kiểm tra cho thấy lễ hội trên địa bàn quận diễn ra trang trọng, vui tươi, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Tuy nhiên một số lễ hội vẫn còn xảy ra tình trạng để phương tiện chưa đúng nơi quy định; xả rác thải làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, …

Thời gian tới, quận Hà Đông sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương có tổ chức lễ hội đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, có phương án phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; khuyến khích các địa phương duy trì tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao… đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Ngọc Trâm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *