Ngày 19/8, Thành ủy Hà Nội có Báo cáo số 713-BC/TU, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư và sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những chuyển biến tích cực. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn thành phố đều thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước, hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện theo đúng quy trình; nội dung lễ hội phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, thành phố đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là: Việc triển khai, thực hiện số 41-CT/TW của Ban Bí thư cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của thành phố. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thì việc thực hiện có chuyển biến, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức về Chỉ thị được nâng lên. Nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả tổ chức thực hiện.
Hai là: Đề cao vai trò công tác tuyên truyền, vận động và dân vận, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, triển khai việc thực hiện Chỉ thị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị.
Ba là: Rà soát bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lễ hội trên toàn thành phố. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống đảm bảo duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức các loại hình lễ hội: Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài…
Bốn là: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý hoạt động lễ hội; gắn với tăng cường hướng dẫn các địa phương, ban tổ chức các lễ hội đảm bảo bài bản, tính chuyên nghiệp cao. Thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Năm là: Phát hiện, xây dựng, nhân rộng các nhân tố điển hình song song với việc phê phán các hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa. Bên cạnh đó, áp dụng các hình thức xử lý kiên quyết đối với những hành vi thiếu văn hóa tại lễ hội.
Thời gian tới, Thành ủy sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 03-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Thăng Long – Hà Nội; đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Tập trung rà soát bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lễ hội trên toàn thành phố. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống đảm bảo duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Có cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa gắn với khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức các loại hình lễ hội; sáng tạo các sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
UBND các quận, huyện, thị xã, ban quản lý di tích lịch sử văn hoá tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội; quản lý chặt chẽ nguồn công đức, công khai, minh bạch hoạt động thu chi nguồn công đức tại di tích, lễ hội. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… tại lễ hội. Đổi mới, sáng tạo, đa dạng hình thức tuyên truyền về các di tích lịch sử – văn hoá, ý nghĩa lễ hội truyền thống và phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến người dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử tại lễ hội và khi tham gia lễ hội. Đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động nguồn lực, hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn nhằm xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị; gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.
Tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hoá, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hoá tại lễ hội, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Xuân Thanh