Ngày 27/10/2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Toạ đàm khoa học về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì Tọa đàm.
Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về thể dục thể thao, Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Ngày 1/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác thể dục, thể thao đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp thể dục, thể thao đã được nâng lên. Quản lý nhà nước về thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến. Tính chuyên nghiệp trong quản lý và vận hành các hoạt động thể thao từng bước được nâng cao. Công tác xã hội hóa thể dục, thể thao được đẩy mạnh, thúc đẩy mạnh mẽ các công ty, doanh nghiệp có thương hiệu lớn trên thế giới tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hóa và dịch vụ thể thao. Thị trường thể thao trong nước phát triển mạnh mẽ. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã có sự đổi mới. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển khá sâu rộng, các chỉ tiêu cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Thành tích thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tiếp tục được nâng lên. Hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Tuy nhiên công tác thể dục, thể thao vẫn còn có những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc phân bổ các nguồn lực đầu tư cho thể dục, thể thao còn thấp. Công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao chậm đổi mới, thiếu cơ chế quản lý phát triển thể thao chuyên nghiệp. Chưa có thể chế, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế thể thao. Các tổ chức xã hội và xã hội-nghề nghiệp chưa đủ mạnh để quản lý, điều hành các hoạt động chuyên môn. Chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao còn nhiều bất cập. Điều kiện tập luyện, chất lượng dịch vụ thể dục, thể thao còn thấp….
Tại Toạ đàm, các ý kiến tập trung góp ý vào chủ trương, chính sách, phát triển TDTT trong thời gian tới; đẩy mạnh đổi mới quản lý TDTT theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển TDTT trong thời gian tới; xây dựng và quản lý mạng lưới TDTT cơ sở nhằm tăng cường sức khoẻ nhân dân; định hướng phương thức đổi mới quản lý giáo dục thể chất và thể thao trường học; ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; về nội hàm phát triển kinh tế thể thao…
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm, đồng chí Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng Tờ trình sát hơn, cô đọng, súc tích hơn và sẽ có những con số cụ thể để có thể đánh giá được tác động của Nghị quyết thời điểm trước khi ban hành và sau 10 năm thực hiện. Phó trưởng Ban Tuyên giáo cũng mong muốn Nghị quyết mới sẽ được Bộ Chính trị ban hành để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho thể thao Việt Nam.
TT