Lễ hội

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử khi tham gia lễ hội 

Chiều 29/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác lễ hội và triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết, ngay sau khi Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 18/01/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 trên địa bàn thành phố được ban hành, UBND Thành phố đã chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền tới các cấp chính quyền và Nhân dân về nội dung của Chỉ thị; chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị phát huy vai trò, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội ở địa phương.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng báo cáo tại Hội nghị

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Với ý thức hướng về cội nguồn dân tộc, đáp ứng nhu cầu trẩy hội, phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hoá theo định hướng chung. Trên tinh thần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của cha ông để lại, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố đã và đang góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra.

Công tác thanh kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã tiến hành kiểm tra trước, trong và sau lễ hội tại một số lễ hội như: Gò Đống Đa, Đền Sóc, Đền Cổ Loa, Đền Hai Bà Trưng, Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Đền Phù Đổng, Đền Và, Đình Chèm, Chùa Láng… Sở Văn hóa và Thể thao thành lập 02 đoàn kiểm tra với sự tham gia của đầy đủ của các phòng, ban chuyên môn thực hiện kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hoá cơ sở kiểm tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội tại các di tích danh lam thắng cảnh lớn, qua đó chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại để các địa phương khắc phục, đồng thời cũng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục.
Tại các địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức lễ hội trên địa bàn, có văn bản hướng dẫn thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao. Các cơ sở kinh doanh bán hàng tại lễ hội phải cam kết bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngồi đúng vị trí do Ban tổ chức sắp xếp, không gây cản trở giao thông và không gian tổ chức lễ hội, niêm yết giá công khai các mặt hàng kinh doanh; thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Các đơn vị đã có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải, thực hiện các quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường trong hoạt động tổ chức lễ hội. Sắp xếp nơi sắp lễ, giá để đồ lễ, nơi dâng lễ, đốt hương, hoá sớ, đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ tại khu vực.
Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 28/8/2023) trên địa bàn Thành phố đã có 1.057/1.206 lễ hội truyền thống được tổ chức, hầu hết các lễ hội đều diễn ra trang nghiêm, vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số những tồn tại cần khắc phục như: Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc tổ chức lễ hội, một số lễ hội chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng và xây dựng kịch bản tổ chức đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Ý thức tự giác thực hiện văn minh trong giao tiếp, ứng xử của người dân khi tham gia lễ hội còn hạn chế; việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, bảo vệ di sản văn hoá chưa được duy trì, thực hiện có hiệu quả. Ở một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bầy bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và làm cản trở, ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Việc tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; các bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công xuất lớn chưa được kiểm soát cũng tác động tiêu cực đến môi trường và sự tôn nghiêm của di tích.
Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Sở VHTT và 30 quận, huyện, thị xã về công tác lễ hội và triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trận Thị Vân Anh cho rằng, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần lành mạnh của Nhân dân. Đa dạng hóa công tác tuyền truyền về các di tích lịch sử – văn hoá, ý nghĩa lễ hội truyền thống đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và nhân dân; phục dựng các hoạt động văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Hướng dẫn Nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự và lễ hội. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hoá, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hoá tại lễ hội, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống của dân tộc. Đối với một số lễ hội còn bảo tồn hoặc phát sinh hoạt động nghi lễ mang tính nhạy cảm, cần kịp thời tổ chức hội thảo khoa học và thực tiễn để lấy ý kiến các nhà khoa học và quản lý nhằm bảo tồn những yếu tố tích cực phù hợp với thuần phong mỹ tục và cuộc sống đương đại, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm, các hành vi mang tính bạo lực, thiếu văn hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội; quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động thu chi nguồn công đức tại di tích, lễ hội. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử tại lễ hội và khi tham gia lễ hội.
Tại Hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã triển khai Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tới 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Việc ban hành Bộ tiêu chí là cơ sở để Ban Tổ chức lễ hội địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Định hướng Ban Tổ chức chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương. Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.
Bình Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *