Tin trong nước

Tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền

Các chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo nhân dân ủng hộ, tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường.

Sáng 1/11, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban Ban chỉ đạo và thông qua kết quả bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018. Chủ trì Hội nghị: ông Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động; bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động.

9 tháng đầu năm 2018, xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức thành viên, Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu, các buổi tọa đàm, hội nghị, tập huấn…. Qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân.
Các chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo nhân dân ủng hộ, tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thương mại trên địa bàn: Phê duyệt Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics năm 2018”; Kế hoạch phát triển thương mại – dịch vụ văn minh hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025; Kế hoạch đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố năm 2018…
9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thực hiện 350 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến đại lý khu vực ngoại thành.Thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác, các doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác, đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ đa dạng sản phẩm nông sản, trái cây, thủy hải sản… có chất lượng, mẫu mã, thương hiệu từ các vùng sản xuất lớn của Hà Nội.
Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ động triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo sự ổn định và phát triển trị trường, bình ổn giá cả, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 8.162 vụ, xử lý 7.689 vụ, tổng số tiền xử lý hơn 109 tỷ đồng.
Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018 được triển khai qua hai hình thức: Bình chọn qua Website và bình chọn trực tiếp tại 6 địa điểm tổ chức Hội chợ Hàng Việt. Chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Nếu như năm 2017, chương trình có 115 sản phẩm, dịch vụ của 69 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, thì đến năm 2018 đã có 197 sản phẩm, dịch vụ của 74 doanh nghiệp tham gia. Qua bình chọn, đã có 133 sản phẩm của 74 doanh nghiệp được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018. Đáng chú ý, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Khanh,Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội yêu cầu, 3 tháng cuối năm, các đơn vị thành viên cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng khuyến khích, tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo cần đi sâu xuống các cơ sở, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.

Minh Huệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *