Chiều ngày 23/8/2022, đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy – Trưởng BCĐ Chương trình số 06 của Thành ủy chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Sơn Tây, nghe báo cáo tình hình, kết quả của thị xã trong việc thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy (khóa XVII); các Kế hoạch, Dự án, Đề án của thị xã để triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thị xã Sơn Tây đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Năm 2021, có 95,6% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 61/62 tổ dân phố văn hoá; 48/56 thôn văn hóa.
Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và ngày một hoàn thiện phủ khắp các thôn, tổ dân phố. Đến nay 114/118 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá; 3/6 xã có Trung tâm văn hoá. Năm 2022, thị xã đã đầu tư trên 30 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang thiết bị cho 15 khu sân chơi, bãi tập và nâng cấp hệ thống đài truyền thanh thị xã và các xã, phường.
Việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn luôn được thị xã quan tâm: 244 di tích, 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn đã được thị xã bảo tồn, quản lý tốt. Từ năm 2021 – 2022, thị xã đã xếp hạng 5 di tích cấp thành phố và nâng cấp xếp hạng 3 di tích cấp Quốc gia và đã có văn bản đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Sơn Tây.
Về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, giai đoạn 2015 – 2020, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quyết định số 4142/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”; trong đó hỗ trợ, đầu tư 15 nội dung như đầu tư tu bổ các di tích được xếp hạng đã bị xuống cấp, đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp, đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ với các nội dung như thiết kế mẫu nhà điển hình, hỗ trợ các hộ dân có nhà cao tầng hạ thấp độ cao và hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hộ có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà phù hợp với cảnh quan…với tổng kinh phí 456,664 tỷ đồng, trong đó đầu tư dự án đất giãn cư (giãn dân làng cổ) là 258 tỷ đồng. Trên cơ sở Quyết định trên, Thị xã đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đến nay Đề án đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích trên địa bàn xã Đường Lâm được 13 dự án với tổng mức đầu tư là 178,029 tỷ đồng, nguồn vốn đã bố trí 143,485 tỷ đồng.
Làng cổ ở Đường Lâm
Thành cổ Sơn Tây chuẩn bị được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Thiết chế văn hóa được thị xã Sơn Tây đầu tư, hoàn thiện
Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục – thể thao của thị xã ngày càng đa dạng, phong phú thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, như: Hội thao công nhân viên chức, Giải vật tranh Cúp Phùng Hưng, giải đua thuyền truyền thống; Giải bơi, giải bóng đá, các hoạt động khiêu vũ, thể thao…
Các giải thể thao luôn thu hút Nhân dân tham gia và cổ vũ
Công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá về giá trị di tích của thị xã luôn được quan tâm, giúp thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu…
Phó Bí thư Thành ủy làm việc tại thị xã Sơn Tây
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Lăng Ngô Quyền – xã Đường Lâm
Cùng với việc ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của thị xã Sơn Tây trong việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết của Thành phố trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu đội ngũ cán bộ của thị xã cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về thế mạnh của Sơn Tây với trách nhiệm trước Nhân dân, Thành phố và đất nước…Riêng đối với Đường Lâm cần đánh giá tổng thể, chỉ ra nguyên nhân tồn tại hạn chế, đưa ra đề xuất mang tính dài hạn. Thị xã cần bố trí ngân sách, nguồn lực hợp lý cho Đường Lâm. Gắn di tích với cuộc sống của người dân, thực hiện di dân phù hợp, đầu tư để người dân tiếp cận và hưởng lợi từ di tích. Điều chỉnh dự án mở rộng Lăng Ngô Quyền và Đình Phùng Hưng thành một quần thể di tích gắn với du lịch, tổ chức các sự kiện, di tích lịch sử. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và học sinh Đường Lâm để khơi dậy lòng tự hào, ý thức phát triển; truyền thông cho người dân thị xã, Hà Nội và cả nước biết đến giá trị của di tích và truyền thông cho bạn bè quốc tế đến với di tích.
Hảo Thanh