Thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch công tác chuyên đề về phát triển văn hóa – xã hội, cụ thể hóa các mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020” phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, uu tiên tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác phát triển văn hóa, đào tạo và bồi dưỡng con người. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban ngành, thị xã Sơn Tây đã đạt được một số thành tựu trên các phương diện văn hóa – xã hội.
Phong trào TDĐKXDĐSVH trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn. Đến nay, toàn thị xã có 94,7% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 66/77 tổ dân phố văn hóa, đạt 85,7%; 48/66 làng văn hóa, đạt 72,7%. Có 98,48 % thôn, làng có nhà văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, TDTT ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trên địa bàn hiện có 9 CLB thơ hoạt động thường xuyên với gần 400 hội viên. Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thị xã quản lý 5 CLB văn học nghệ thuật với 160 thành viên. Duy trì các lớp năng khiếu hát, múa, hội họa, võ, bơi lội dịp hè cho thiếu nhi, thu hút trên 1.200 lượt em tham gia/năm. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 54.580 người, chiếm 40% dân số; 7.790 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, chiếm 29,1% số hộ.
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi trên địa bàn.
Nhằm bảo tồn, phát huy khối di sản văn hóa vùng đất xứ Đoài, thị xã Sơn Tây đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, nâng cấp 6 di tích. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 244 di tích; 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp thành phố, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời gìn giữ được 78 di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Đặc biệt, di tích làng cổ Đường Lâm tiếp tục nhận được sự quan tâm về nhiều mặt.
Việc triển khai 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố đã có những kết quả đáng khích lệ: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý thức chấp hành hiến pháp, pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Tại nơi công cộng, ý thức của người dân đã có chuyến biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn giao thông, sử dụng lòng đường, vỉa hè, không gian tín ngưỡng, tôn giáo, vườn hoa, công viên…
Chương trình 04-CTr/TU được triển khai sâu rộng trên địa bàn thị xã cũng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay, 100% trường học có đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học đạt hơn 80%…
Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và an sinh xã hội, hệ thống y tế của thị xã được củng cố và hoàn thiện với 100% xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Mạng lưới y tế rộng đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,5%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2019, toàn thị xã chỉ còn 167 hộ nghèo, tương ứng với 0,44%, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra.
Thời gian tới, thị xã Sơn Tây xác định tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ để chăm lo, xây dựng con người phát triển toàn diện; nâng cao thể lực, tầm vóc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thị xã, Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, đặc biệt là công tác tuyên truyền thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Tích cực thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Minh Trang