Văn hóa

Thư viện Hà Nội: Chú trọng hoạt động phục vụ bạn đọc ngoài thư viện

  Trong những năm qua, cùng với chức năng, nhiệm vụ phục vụ bạn đọc dưới hình thức đọc tại chỗ và mượn về, Thư viện Hà Nội luôn chú trọng công tác phục vụ ngoài thư viện, tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả Thủ đô thông qua hoạt động luân chuyển sách […]

 

Trong những năm qua, cùng với chức năng, nhiệm vụ phục vụ bạn đọc dưới hình thức đọc tại chỗ và mượn về, Thư viện Hà Nội luôn chú trọng công tác phục vụ ngoài thư viện, tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả Thủ đô thông qua hoạt động luân chuyển sách và thư viện lưu động “Bánh xe tri thức”.

          Việc đầu tư xây dựng vốn tài liệu kho sách báo luân chuyển xuống mạng lưới thư viện cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của người dân đã và đang được Thu viện Hà Nội quan tâm xây dựng. Hiện nay, tổng số sách của kho luân chuyển là 76.837 bản sách, được xử lý chuyên nghiệp và sắp xếp khoa học để thuận tiện trong việc luân chuyển. Nội dung và hình thức sách báo luân chuyển phù hợp với trình độ dân trí, đúng mục đích, phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên và phát triển kinh tế với từng địa phương trên địa bàn. Để đảm bảo công tác luân chuyển sách báo hiệu quả, Thư viện Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với các thư viện quận, huyện, thị xã trong việc xác định địa điểm, lịch luân chuyển cũng như thực hiện khảo sát nhu cầu thực tế của từng nơi để tài liệu luân chuyển phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trung bình, mỗi năm thư viện luân chuyển 2 đợt đến trên 130 tủ sách, mỗi điểm từ 200 đến 250 bản sách.

Năm 2016, thực hiện kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao tại Trại giam Suối Hai huyện Ba Vì, trong đó có việc xây dựng tủ sách phục vụ các phạm nhân, Thư viện Hà Nội đã thực hiện luân chuyển hơn 500 đầu sách có nội dung phong phú về chính trị xã hội, pháp luật, khoa học kĩ thuật, văn học… để phục vụ tại Phòng Thư viện của Trại.

Ngoài mạng lưới thư viện cơ sở, Thư viện Hà Nội cũng rất chú trọng đến việc giúp đỡ, phát triển các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Thư viện đã luân chuyển sách xuống thư viện tư nhân dòng họ Nguyễn Bá (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), thư viện tư nhân Hưng Phúc (phường Đồng Mai, quận Hà Đông)…

Thư viện Hà Nội thực hiện luân chuyển sách đến tủ sách quận Hà Đông

           Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các cán bộ phong trào Thư viện thành phố cùng các cán bộ cơ sở đã phối hợp có hiệu quả trong công tác luân chuyển sách báo đến thư viện, tủ sách cơ sở, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa tinh thần, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho độc giả Thủ đô.

Thư viện Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện công tác thư viện lưu động, tạo phong trào đọc sách cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Thư viện đã xây dựng mô hình thư viện lưu động với sự tài trợ của Quỹ Quốc tế Singapore SIF và Tập đoàn Keppel Land. Tháng 3 năm 2011, dự án “Thư viện lưu động – Bánh xe tri thức” chính thức được triển khai phục vụ tại các trường tiểu học thuộc 8 huyện ngoại thành Hà Nội. Sau 3 năm hoạt động (2011-2013), “Thư viện lưu động – Bánh xe tri thức” đã phục vụ 121 trường tiểu học và THCS với 127.700 học sinh và 383.100 lượt sách. Thư viện lưu động đã góp phần mang tri thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các em thiếu nhi ở những vùng sâu vùng xa của Hà Nội. Đồng thời, tạo cho các em thói quen đọc sách, tra cứu thông tin, tự học tập nghiên cứu, qua đó từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các em thiếu nhi vùng ngoại thành và khu vực nội thành Hà Nội.

Sau khi kết thức dự án, Thư viện Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì hoạt động thư viện lưu động phục vụ học sinh các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Sau hai năm 2015-2016 hoạt động độc lập, Thư viện Hà Nội đã phục vụ 59 điểm trường tại 17 huyện ngoại thành với số lượng 49.900 em học sinh cùng 149.700 lượt sách.

Thư viện lưu động phục vụ các em học sinh trường Tiểu học Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây

          Trong những năm qua, các cán bộ Thư viện đã không ngừng phát triển phong trào đưa văn hóa về cơ sở, góp phần hình thành cho người dân, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên nhi đồng thói quen đọc sách. Qua đó, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc một cách sâu rộng, tiến tới xây dựng xã hội đọc và làm theo sách, báo.

Thu Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *