Xuất phát từ nhu cầu đọc sách của người dân, đồng thời khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã thành lập và duy trì tốt mô hình hoạt động của Thư viện làng.
Yên Sở thuộc diện “Nhất làng, nhất xã”, nghĩa là đơn vị hành chính xã nhưng là một làng cổ. Xã cũng là địa phương điển hình trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Việc thành lập Thư viện nhằm tạo sân chơi tri thức lành mạnh, bổ ích cho người dân, nhất là thế hệ trẻ ở Yên Sở, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ của mỗi người trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Thư viện Yên Sở chính thức đi vào hoạt động năm 2019, trở thành điểm đến quen thuộc của người dân nơi đây. Thư viện mở cửa vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần: Buổi sáng từ 8h đến 10h30, buổi chiều từ 14h đến 17h. Bạn đọc gồm các em học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí, bác nông dân, chị nội trợ…tìm đến Thư viện đọc sách, tìm tài liệu tham khảo.
Thư viện Yên Sở được đặt tại Nhà văn hóa thôn thuận tiện cho người dân đến đọc sách.
Thư viện được đặt ngay tại Nhà văn hóa xã nên thuận tiện cho người dân đến đọc sách. Thư viện rộng chừng 40m2, được trang bị đầy đủ đèn, quạt, bàn, ghế và đa dạng các loại sách, báo. Với vai trò thực tiếp triển khai và quản lý hoạt động Thư viện, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Sở Nguyễn Trí Hồng Giang cho biết, để Thư viện hoạt động hiệu quả và duy trì ổn định, Ban quản lý Thư viện đã triển khai tuyên truyền, vận động được hơn 20 đoàn viên thanh niên tham gia làm tình nguyện viên Thư viện. Các tình nguyện viên có nhiệm vụ mở cửa Thư viện theo lịch đã đăng ký, vệ sinh Thư viện, sắp xếp phân loại sách, báo và ghi chép nhật ký đọc sách của bạn đọc, tuyên truyền văn hóa đọc đến người dân. Đa số các tình nguyện viên đều là những người đam mê đọc sách và mong muốn được truyền tải đam mê đó đến mọi người nên hoạt động của Thư viện được thuận lợi hơn.
Thư viện có đầy đủ trang thiết bị phục vụ bạn đọc.
Ban đầu, sách được huy động từ các nguồn sách liên kết của Tủ sách pháp luật, Văn phòng Đảng ủy xã, Điểm Bưu điện văn hóa xã, Thư viện trường Tiểu học và THCS Yên Sở nên số lượng hạn chế. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, kêu gọi ủng hộ sách, đã có rất nhiều cá nhân và tập thể tặng sách, báo cho Thư viện… Đến nay, số lượng sách, báo cho, tặng Thư viện đã đạt trên 3.000 đầu sách gồm nhiều thể loại: Lịch sử, văn học – nghệ thuật, pháp luật, kinh tế, chính trị, khoa học, sức khỏe, sổ tay nội trợ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, truyện thiếu nhi…Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bạn đọc, kể từ tháng 2/2020, Thư viện cho mượn sách về nhà.
Mô hình Thư viện Yên Sở là một nét đẹp văn hóa làng quê cần được nhân rộng, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Không chỉ vậy, nơi đây còn trở thành địa chỉ tuyên truyền, giáo dục truyền thống của địa phương, qua đó góp phần xây dựng quê hương Yên Sở ngày càng phát triển.
Đức Long