Thường Tín được mệnh danh là “đất trăm nghề” bởi trên địa bàn huyện có 126 làng nghề, làng có nghề, trong đó 46 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Đa dạng về sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, vững vàng vượt qua khó khăn, những làng nghề […]
Thường Tín được mệnh danh là “đất trăm nghề” bởi trên địa bàn huyện có 126 làng nghề, làng có nghề, trong đó 46 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Đa dạng về sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, vững vàng vượt qua khó khăn, những làng nghề đã có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín được biết đến với nhiều sản phẩm gắn liền với các làng nghề nổi tiếng: Thêu Quất Động, Thắng Lợi, sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái, cơ khí, mộc, lưới vó Minh Cường Vạn Điểm, chăn, ga, gối đệm Trát Cầu, lược sừng Thụy Ứng… Là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt chạy qua, nhiệm kỳ 2010- 2015, Huyện ủy Thường Tín đã xây dựng Chương trình số 09- CTr/HU về “Phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015” nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo các điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất về mặt bằng, vay vốn, thực hiện chính sách khuyến công. Trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, các cụm công nghiệp làng nghề, đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng mở 103 lớp nhân cấy và nâng cao tay nghề cho hơn 4.000 lao động. Để gỡ khó về vốn cho các hộ gia đình, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thường Tín đã có cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện và hỗ trợ khách hàng như không thu phí thẩm định, không thu phí thu xếp vốn, không thu phí trả nợ trước hạn, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, hội đủ các điều kiện là ngân hàng cho vay ngay. Chính vì vậy, đã tạo điều kiện giúp cho kinh tế hộ gia đình ở huyện Thường Tín, đặc biệt là những hộ làm nghề truyền thống phát triển khá mạnh. Các làng nghề của huyện thu hút số lượng lớn lao động địa phương, thu nhập từ làng nghề góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Chăm sóc cây hoa lan tại một hộ gia đình ở Hồng Vân.
Quan tâm đến vấn đề thương hiệu sản phẩm, 5 năm qua, huyện đã nỗ lực xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng cho 900 doanh nghiệp, hàng vạn hộ sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và được thành phố công nhận 46 làng nghề, 6 cụm công nghiệp, 4 cụm tiểu thủ công nghiệp. Bằng các giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao. Năm 2015 ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Trước những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, làng nghề Thường Tín cũng chịu ảnh hưởng nhất định. Với tình yêu nghề và mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị làng nghề, các nghệ nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn đã năng động tìm hướng đi mới. Để giữ nghề, phát triển nghề, nhiều làng nghề ở Thường Tín đã năng động phát triển theo hướng gắn kết với du lịch như làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái, làng nghề cây cảnh Hồng Vân. Khách du lịch đến làng nghề được mục sở thị quá trình làm ra sản phẩm. Những thị trường mới được mở ra, những mặt hàng mới được đưa vào sản xuất đáp ứng nhu cầu của bộ phận khách hàng thuộc tầng lớp có thu nhập khá. Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái cho biết, có những đơn hàng có giá trị kinh tế không được như mục tiêu đặt ra nhưng anh vẫn ký vừa để giữ khách, vừa để giữ nghề và tìm cơ hội mới trong quá trình sản xuất. Thực tế đã cho thấy cách làm của anh là đúng. Nghề sơn mài ở Hạ Thái- Duyên Thái vẫn cho thu nhập khá.
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái.
Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là kinh tế mũi nhọn của huyện, trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm xây dựng các điểm xử lý chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao; hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, xúc tiến thương mại, quảng bá cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề giữ vững và phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có, đào tạo kỹ năng marketing cho người dân các làng nghề, giúp họ có kiến thức cơ bản khi giới thiệu với du khách để quảng bá và giới thiệu sản phẩm địa phương mình…
Hoàng Thu