Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân Thủ đô, sáng 14/10, tại Thư viện Hà Nội (số 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm), Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội”.
Tới dự Tọa đàm có bà Đoàn Quỳnh Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao, cán bộ Thư viện, Phòng đọc cơ sở, Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Kim Đồng, Tân Việt, Phụ Nữ, Nhã Nam…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội gồm có Thư viện thành phố, 29/30 thư viện cấp huyện (quận Nam Từ Liêm chưa thành lập thư viện), 54 thư viện cấp xã, hơn 1.000 thư viện phòng đọc cơ sở đã góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc Thủ đô. Tuy nhiên thực trạng hiện nay một số thư viện cấp huyện, cấp xã và thư viện phòng đọc cơ sở còn tồn tại những hạn chế, yếu kém trong hoạt động thư viện nên không phát huy được chức năng nhiệm vụ, chưa thu hút được bạn đọc trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0 với nhiều thiết bị điện tử hiện đại như máy tính, điện thoại, máy đọc sách…cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thư viện trong công tác phục vụ tài liệu truyền thống. Mặc dù còn nhiều khó khăn, những năm qua, thư viện công cộng đã có những bước phát triển nhất định và ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong xã hội. Tọa đàm được tổ chức với mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề: Thực trạng và giải pháp về công tác phát triển văn hóa đọc tại địa phương; thực trạng hoạt động tại các thư viện cấp huyện, cấp xã; các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động thư viện công cộng.
Tại Tọa đàm, nhiều tham luận về các mô hình thư viện công cộng hoạt động hiệu quả được chia sẻ. Tiêu biểu như Thư viện quận Tây Hồ, hàng năm Thư viện không ngừng bổ sung sách mới phục vụ bạn đọc. Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ cho biết, Thư viện hiện có trên 25.000 cuốn sách với nhiều môn loại phong phú, trong đó có trên 5.000 cuốn sách dành cho thiếu nhi. Xác định việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ, lứa tuổi học sinh, những năm gần đây, Thư viện quận Tây Hồ đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, vốn tài liệu và phương pháp tiếp cận để phục vụ các em thiếu nhi. Thư viện quận đã tham mưu xây dựng góc đọc thiếu nhi trang trí đẹp mắt; phối hợp với Đoàn TNCSHCM tổ chức các chương trình sự kiện, các cuộc thi để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, thi xếp sách nghệ thuật, thi vẽ tranh theo sách, viết cảm nhận sau khi đọc sách, thi tuyên truyền giới thiệu sách; cán bộ Thư viện quận giới thiệu sách đến bạn đọc bằng các video clip qua các kênh truyền thông như youtube, fanpage của Trung tâm; xây dựng danh mục giới thiệu sách bằng mã QR, giúp bạn đọc tra cứu, có thể nghe sách nói hoặc đọc nội dung giới thiệu sách một cách thuận tiện; đẩy mạnh việc luân chuyển sách đến các phòng đọc khu dân cư, các thư viện trường học…
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Hệ thống thư viện cơ sở đã và đang nâng cao chất lượng dân trí ở các địa phương, đồng thời góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thư viện làng Bình Vọng trong nhiều năm qua là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người dân xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Đây là một trong những phòng đọc cơ sở biết vận dụng công tác “xã hội hoá” trong xây dựng và hoạt động thư viện. Theo ông Dương Văn Phi – Chủ nhiệm Thư viện làng Bình vọng, Thư viện làng Bình Vọng thành lập và hoạt động từ năm 1999. Thư viện hình thành “mạng lưới viên” do những người cao tuổi phụ trách thư viện phân công nhau phân loại sách, trực tiếp khách, cho mượn sách hàng ngày…Từ 500 cuốn sách ban đầu, đến nay sách của Thư viện lên tới hơn 15.000 cuốn được phân theo môn loại. Bình quân mỗi năm Thư viện tiếp 3.600 lượt người đến đọc, 600 lượt độc giả mượn vài nghìn cuốn sách.
Công chức Văn hóa – xã hội phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Huyền cũng cho biết, Phòng đọc sách tại khu di tích lịch sử miếu Vạn Phúc được cải tạo từ nguồn xã hội hóa của Nhân dân Vạn Phúc. Hiện Phòng đọc có khoảng gần 1.000 cuốn sách và 20 loại báo, tạp chí khác nhau về các lĩnh vực. Phòng đọc mở cửa các ngày trong tuần. Bạn đọc tới Phòng đọc chủ yếu là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, các em học sinh, sinh viên trên địa bàn phường. Để tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Đảng ủy – UBND phường Vạn Phúc giao cho bộ phận Văn hóa thông tin phối hợp với Đoàn thanh niên phường xây dựng Đề án “Văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề” với các nội dung: Đưa vào tour du lịch tham quan làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nội dung tìm hiểu văn hóa làng nghề qua không gian sách kết hợp trải nghiệm ghép tranh lụa tại khu di tích miếu Vạn Phúc; tổ chức những trò chơi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua nội dung các cuốn sách hay có tại Phòng đọc sách; trang trí Phòng đọc sách, thường xuyên bổ sung những đầu sách mới, đa dạng nhiều lĩnh vực, ưu tiên sách phục vụ trẻ em và học tập…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh khẳng định, Tọa đàm là dịp nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động thư viện. Qua các tham luận tâm huyết, trách nhiệm cho thấy nhiều địa phương đã có cách làm và kinh nghiệm xây dựng thư viện công cộng hiệu quả, thiết thực, cần được nhân rộng. Cùng với sự quan tâm, chủ động của các địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực đối với hoạt động thư viện cơ sở… nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng một xã hội học tập.
Ngọc Trâm