Kế thừa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cả nước đã và đang thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, coi đây như những người ruột thịt của mình. Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn […]
Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng… đã cống hiến máu xương và tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.
Cứ đến tháng 7 hàng năm, cả nước lại ngập tràn không khí tri ân Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Đây là một ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cả dân tộc. Từ cột mốc 70 năm nhìn lại, có thể nói rằng, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ngoài việc bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách mỗi năm cho việc chăm sóc, tặng quà, là những chính sách, chế độ để hỗ trợ người có công trong mọi mặt đời sống được thực thi. Pháp lệnh Người có công cũng đã được sửa đổi, bổ sung với việc mở rộng các ưu đãi đối với những người đã xả thân cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh; các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng”,… được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương. Rồi việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng…
Dù nghĩa tình tri ân ngày càng đong đầy trọn vẹn, nhưng những nỗ lực như thế cũng chưa đủ so với mất mát, hy sinh của người có công với nước. Hiện gần 96% đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; 1,4 triệu người có công và thân nhân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, nhưng vẫn còn 4% chưa được hưởng đầy đủ. Đến nay cả nước có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú, nhưng vẫn còn những gia đình chính sách khó khăn. Và chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của những gia đình người có công còn nhiều khó khăn, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo. Đến nay còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và chưa xác định được danh tính. Đó vẫn là những trăn trở khuôn nguôi.
Ngày 27/7 năm nay, những ngọn nến tiếp tục được thắp lên làm ấm lòng thêm những anh hùng, liệt sỹ đang an nghỉ trong lòng đất mẹ; lời thăm hỏi an cần, các món quà và hàng loạt những hoạt động tri ân đã được gửi tới các thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công. Và trên hết, tỏa đi những ân tình, mỗi người đều mong rằng công tác chăm sóc người có công sẽ rộng hơn, sâu hơn nữa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chúng ta phải quyết tâm làm tốt hơn nữa, chăm lo với tình cảm như người thân, ruột thịt mình. Chứ không phải chỉ làm theo nghĩa vụ, mà đây là tình cảm, là bổn phận của người đi sau biết ơn những người đi trước, bù đắp phần nào những mất mát của các gia đình thương binh liệt sỹ.
Theo Báo Kinhtedothi