Trưng bày chuyên đề “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt – Nhìn từ bộ sưu tập An Biên” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã khai mạc vào sáng 19/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội). Hình ảnh tại buổi khai mạc “Gốm Việt Nam: Một […]
Trưng bày chuyên đề “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt – Nhìn từ bộ sưu tập An Biên” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã khai mạc vào sáng 19/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).
Sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Sưu tập An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) tổ chức nhằm mang đến cho công chúng bức tranh toàn cảnh về gốm Việt Nam ở 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên; thế kỷ 11-14; từ thế kỷ 15 – 17 và gốm Bát Tràng thế kỷ 18 – 19.
Gốm sứ phản ánh lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Phòng Trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, người phụ trách trực tiếp việc trưng bày, chia sẻ: Đồ gốm có lịch sử lâu dài, đánh dấu bước phát triển, tiến bộ của văn minh nhân loại. Đồ gốm ra đời đánh dấu bước tiến vĩ đại đầu tiên của loài người khi đã biết dùng phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao để biến đổi vật chất. Ở Việt Nam, đồ gốm đã ra đời cách nay khoảng 7.000- 8.000 năm và cách nay khoảng trên dưới 4.000 năm thì người nguyên thủy ở Việt Nam bước vào thời hậu kỳ đồ đá mới. Đồ gốm ở nước ta cách nay khoảng 4.000 năm đã trở nên phổ biến trong đời sống sinh hoạt của cư dân. Cách ngày nay khoảng 2.000 năm, khi Trung Quốc đã phát minh ra việc tráng men cho đồ gốm thì ở nước ta lúc đó các lò gốm cũng đã tiếp cận được kỹ thuật công nghệ mới nhất này.
Sau đó, loài người tiếp tục sáng tạo kỹ thuật nung gốm ở nhiệt độ cao và sản xuất ra loại gốm sứ men trắng, men trắng xanh, các lò gốm Việt Nam ở thế kỷ thứ 5-7 cũng đã nhanh chóng cập nhật được kỹ thuật mới nhất đó. Có thể nói là lúc này đồ gốm đã chuyển hẳn từ sơ khai sang bước vào đời sống văn hóa của con người. Đặc biệt là khoảng sau thế kỷ thứ 10, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng các nhà nước phong kiến, đồ gốm là ngành nghề thủ công rất quan trọng, đóng góp vào đời sống kinh tế xã hội, nhất là kinh đô Thăng Long. Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều đồ gốm tinh xảo, mang bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam, không thua kém bất kì bất nước nào trên thế giới, nếu không muốn nói là hơn.
Thế kỷ 15-17 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của gốm sứ Việt Nam, chúng ta đã nắm rất vững, thành thục những kỹ nghệ mới, tiên tiến của sản xuất đồ gốm thời kì bấy giờ. Đã xuất hiện những trung tâm sản xuất gốm rất là lớn như là Chu Đậu (Hải Dương) chuyên để xuất khẩu. Việt Nam cũng trở thành cường quốc xuất khẩu gốm sứ hàng đầu thế giới thời điểm đó…
Cuối thế kỷ 17 đầu thứ kỷ 18, gốm bắt đầu suy tàn vì châu Âu và Nhật Bản đã nắm bắt được bí quyết làm đồ gốm nên nước ta mất dần thị trường xuất khẩu quan trọng. Rất nhiều trung tâm sản xuất gốm lớn trước đây đã lụi tàn, chỉ có một trường hợp duy nhất là làng gốm Bát Tràng còn tồn tại và duy trì được đến ngày nay nhờ có cách tiếp cận thị trường theo ngách riêng, chuyên sản xuất gốm sứ đặt hàng phục vụ nhu cầu trùng tu tôn tạo đình, chùa, miếu, mạo…
Ông Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh: Có thể nói không quá rằng chủ yếu là chúng ta có thể chứng kiến toàn bộ quá trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam qua đồ gốm sứ; gốm sứ phản ánh đầy đủ tâm thức, mỹ cảm, thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp. Do đó, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì những người quan tâm cần nghiên cứu đồ gốm sứ…
Tôn vinh gốm sứ Việt
Trưng bày giới thiệu đến công chúng gần 80 hiện vật, trong đó có 58 hiện vật thuộc Bộ sưu tập An Biên và 22 hiện vật của Bảo tàng. Ý tưởng ban đầu của Ban Tổ chức là muốn giới thiệu toàn bộ hiện vật trong Sưu tập An Biên. Nhưng bên cạnh đó, Bảo tàng cũng có 22 hiện vật, chủ yếu ở giai đoạn suy tàn của gốm Việt là gốm sứ Bát Tràng do người Pháp sưu tập trước đây. Đây là những hiện vật tất hi hữu, hiếm có mà các sưu tập tư nhân hầu như không thể có được. Do muốn phản ánh đầy đủ diện mạo truyền thống gốm sứ Việt Nam từ giai đoạn sơ khai, phát triển rực rỡ đến cả giai đoạn suy thoái, phát triển theo một con đường riêng… nên Ban Tổ chức đã phối hợp, giới thiệu 2 bộ sưu tập của 2 đơn vị đến với công chúng.
Ban Tổ chức cũng chia 4 chủ đề để giới thiệu đến công chúng đầy đủ các dòng men cũng như kỹ thuật, công nghệ sản xuất gốm sứ Việt Nam chứ không tập trung giới thiệu những hiện vật đơn thuần theo cách nhìn cổ vật với giá trị đắt tiền, to lớn, gây kinh ngạc… Trong bộ sưu tập có 9 hiện vật gốm thời Lý là men trắng, kích thước không lớn, cao 24-25 cm, như ấm men trắng cánh độc sắc khắc cánh sen có thể nói là cực kỳ đặc biệt, hiếm có. Thời Lý chuộng gốm men trắng, ưa chuộng sự giản dị, thanh cao. Đây là bộ sưu tập đặc sắc mà Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các chuyên gia đã giúp sưu tập, thành lập bộ hồ sơ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Sở dĩ bộ sưu tập của ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng) mang tên An Biên vì đây là tên một địa danh cổ ở vùng đất Hải Phòng. Đó là trang An Biên do nữ tướng Lê Chân thời Hai Bà Trưng lập ra. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân đã cho lập phòng tuyến ngăn địch, trấn giữ vùng biển, đặt tên là “Hải tần phòng thủ” – được coi chính là tên Hải Phòng (rút gọn) ngày nay…
Trưng bày “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt- Nhìn từ bộ sưu tập An Biên” sẽ diễn ra từ ngày 19/11/2021 đến tháng 4/2022 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).