Sự kiện

Trải nghiệm đêm Văn Miếu qua “bữa tiệc” của âm thanh, ánh sáng và cảm xúc

Tối 29/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức lễ ra mắt chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Đến dự đại biểu Trung ương có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng. Đại biểu Thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải.
Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình.

Chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức được ra mắt du khách và người dân Thủ đô với mong muốn mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày. Mọi di tích kiến trúc và không gian di sản đều trở nên ấn tượng hơn, lung linh hơn thường ngày, song vẫn giữ được nét thâm trầm, tinh tế của một khu di sản vốn được coi như ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam dưới thời quân chủ. Tất cả các hạng mục đều hứa hẹn sẽ mở ra một không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa quen, vừa lạ.

Du khách được thưởng thức tiết mục nghệ thuật truyền thống trước khi xem phim mapping.

Tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, với những trải nghiệm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời gian đại dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải có sự đổi mới về nhận thức và hành động để làm sao có thể thích ứng được liên tục những thay đổi trong đời sống. Trong điều kiện thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia mạng lưới các Thành phố Sáng tạo và chuyển đổi số, Trung tâm đã tìm tòi nhằm mang lại những sản phẩm du lịch nâng tầm giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. “Hôm nay, lần đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào đêm có một sự đối thoại giữa những giá trị của di tích, những giá trị của đạo học Việt Nam và công nghệ, sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại hứa hẹn sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch thú vị đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng và du khách khi đến với Hà Nội” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số, công nghệ số mở ra một không gian mới cho phát triển du lịch. Văn Miếu – Quốc Tử Giám trước đây chủ yếu đón khách tham quan vào ban ngày, giờ đây sẽ tăng dần lượng khách tham quan vào ban đêm. Du khách sẽ có thêm những trải nghiệm mới, những hình ảnh, những thông tin đa chiều thú vị và hấp dẫn hơn. Người làm du lịch có thêm những công cụ mới, sáng tạo hơn truyền tải hình ảnh, thông tin, qua đó truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống một cách hiệu quả hơn. Chuyển đổi số, công nghệ số sẽ thổi hồn mới cho những công trình văn hóa, di sản của Việt Nam và của Hà Nội. Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã gợi mở ra những cách làm mới để phát triển du lịch của TP Hà Nội. “Chúng tôi hi vọng rằng, sự kiện sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về du lịch kết hợp với công nghệ. Kết hợp các yếu tố văn hóa, lịch sử với công nghệ đã, đang và sẽ trở thành điểm hội tụ mới, là nơi làm du lịch trở nên gần gũi, gắn kết hơn với các yếu tố lịch sử, văn hóa” – ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm.
Theo đó, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là hành trình từ khu Nhập đạo, ngay khi bước qua cổng chính (Văn Miếu Môn), khách tham quan sẽ được chìm đắm vào một khúc dạo đầu nhẹ nhàng và thư thái của sắc màu và âm thanh trong khu Nhập đạo với hình ảnh bốn bức phù điêu “Tứ linh huấn tử”, hình ảnh người mẹ hát ru con được trình diễn bằng công nghệ chiếu mapping ngay ở gốc cây đa di sản, những hình ảnh hoa văn trên diềm bia Tiến sĩ được tái hiện ngay trên nền đường. Những đường nét tinh tế và cách thể hiện phong phú của hoa sen, hoa lựu, hoa hải đường hay hoa kim ngân cho thấy sức sáng tạo của các bậc tiền nhân trên bia Tiến sĩ Thăng Long, nơi tôn vinh các nhà khoa bảng Việt Nam trong suốt hơn ba thế kỷ. Điểm kết cuối cùng trong khu Nhập đạo chính là ba công trình kiến trúc bao gồm cổng Đại Trung ở chính giữa và hai cổng Thành Đức, Đạt Tài nằm hai bên, tất cả đều được chiếu sáng nghệ thuật nhằm mang lại cho khách tham quan những cảm xúc mới mẻ mà các chương trình tham quan ban ngày không thể có được.

Qua cổng Đại Trung, khách tham quan sẽ bắt gặp một luồng sáng từ ô cửa sổ Sao Khuê trên công trình có tính biểu tượng Khuê Văn Các chiếu thẳng về đỉnh mái của cổng Đại Trung, làm nổi bật hình ảnh đôi cá chép chầu bình móc. Luồng sáng này cũng biến Khuê Văn Các trở thành một ngọn hải đăng thực thụ – ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ. Ý nghĩa của tác phẩm sắp đặt ánh sáng này sẽ được lý giải một cách trọn vẹn khi khách tham quan thưởng lãm trình chiếu mapping với chủ đề “Tinh Hoa Đạo Học” tại sân Thái học.

Cũng tại khu Thành đạt, khách tham quan sẽ bắt gặp tổ hợp hình ảnh thể hiện bốn giai đoạn trong quá trình phấn đấu trưởng thành và đỗ đạt của các nho sinh. Cùng với đó là biểu tượng cá chép như những nho sinh nỗ lực phấn đấu từng ngày, từng giờ tiếp tục được thể hiện qua hình ảnh đàn cá bên hồ chữ nhật phía bên phải khu Thành đạt.
Không gian tiếp theo trong hành trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là khu Đại thành hay còn gọi là khu Bái đường. Nội dung chính được giới thiệu tại khu vực này chính là không gian trưng bày Quốc Tử Giám – ngôi trường đầu tiên của nền quốc học Việt Nam. Toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong suốt gần 800 năm dưới thời phong kiến được thể hiện với phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại, song vẫn in đậm dấu ấn của các giá trị truyền thống đã rèn đúc nên hàng ngàn danh nhân cho đất Việt. Tại sân Bái đường, khách tham quan sẽ được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo, mới lạ và thú vị. Bên cạnh đó, khách tham quan cũng được chiêm ngưỡng 16 bức hoa văn diềm bia Tiến sĩ gắn trên các hàng cột hiên của hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu nằm hai bên sân Bái đường. Những hoa văn này lần đầu tiên được giới thiệu đến với công chúng một cách có hệ thống sẽ giúp cho khách tham quan thấy được những giá trị tạo hình trên bia Tiến sĩ Thăng Long bên cạnh giá trị tư liệu đã được UNESCO công nhận.
Điểm chạm cảm xúc cuối cùng của chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, song cũng là nội dung mang lại cảm giác thăng hoa nhất, chính là trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học sẽ biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Trình diễn mapping cũng là bức tranh toàn cảnh liên kết toàn bộ các hạng mục trải nghiệm mà khách tham quan đã được thưởng lãm từ cổng chính vào đến hết sân Bái đường. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc.
Mỗi chi tiết trong chương trình được chăm chút một cách tỉ mỉ nhằm mang lại cho khách tham quan một buổi tối khám phá trọn vẹn những giá trị đặc trưng không chỉ của riêng khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà còn cảm nhận được những giá trị nền tảng của đạo học Việt Nam.
Chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức phục vụ khách tham quan từ ngày 01/11/2023 vào các khung giờ 20h00 – 21h00 – 22h00 các ngày thứ 4, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.
Thúy Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *