Mới đây, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 85/KH-SVHTT ngày 3/3/2020 về việc triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” năm 2020.
Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp xã hội quan tâm. Với mục đích tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” năm 2020 với các nội dung cụ thể như:
Tiếp tục tổ chức Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020 chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ” với các hoạt động truyền thông trọng điểm: in pano, phướn dọc, tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư… một cách cụ thể và thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc.
Tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình” với các hoạt động truyền thông, tọa đàm, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho các thành viên trong gia đình gắn với Chỉ thị 11/CT – TTg về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Chỉ thị 08/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực.
Triển khai tuyên truyền, thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” bằng nhiều hình thức như: In ấn tài liệu hướng dẫn, tờ rơi, tờ gấp, pano, phướn tuyên truyền; Tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương và trên pano, áp phích tại địa bàn xã/phường; Tổ chức Lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí tại địa bàn xã/phường; Tổ chức sinh hoạt cộng đồng…
Việc triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng nhằm đánh giá tính khả thi, hiệu quả của “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” làm cơ sở để triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội đối với việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Đông Hoàng