Triển lãm trưng bày 50 bức ảnh sáng tác và sưu tầm của năm tác giả. NDĐT – Tối 11-8, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, đã khai mạc triển lãm ảnh “10 năm – Vì tình yêu Hà Nội” do báo Thể thao – Văn hóa (TTXVN) phối hợp tổ […]
Triển lãm trưng bày 50 bức ảnh sáng tác và sưu tầm của năm tác giả.
NDĐT – Tối 11-8, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, đã khai mạc triển lãm ảnh “10 năm – Vì tình yêu Hà Nội” do báo Thể thao – Văn hóa (TTXVN) phối hợp tổ chức cùng Công ty Hữu nghị Á Châu và Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội.
Đây là dịp những bức ảnh đậm chất Hà Nội và phảng phất tinh thần “Phố Phái” được mang ra trưng bày trên tuyến phố đi bộ để phục vụ công chúng thưởng thức.
Cho đến năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh tám nhân vật bằng Giải thưởng lớn, cùng khoảng 30 giải tác phẩm, ý tưởng, việc làm, và hơn 50 đề cử khác nhau…
Triển lãm là sáng tác hoặc sưu tầm được đề cử hoặc đoạt giải thưởng trong 10 năm qua của năm tác giả: Nhiếp ảnh gia người Hà Lan, Leos Heerink là tác giả của bộ ảnh hàng rong chụp từ trên cao (được đề cử giải Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội 2017).
Cô chia sẻ: “Lần đầu đến Việt Nam tôi đã bị thu hút bởi những người bán hàng rong với chiếc xe đạp đầy màu sắc của họ. Ở Hà Lan chúng tôi sử dụng xe đạp rất nhiều nhưng chưa bao giờ chở nhiều thứ như vậy trên một chiếc xe duy nhất. Tôi thích cái cách họ “tô màu” cho thành phố này, và đối với tôi đó là chất liệu đẹp nhất của Hà Nội”.
Nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu (đang ở Pháp) không chỉ gửi cho ban tổ chức những bức ảnh được ông và Nhà sử học người Pháp Emmanuel Poisson sưu tầm, và giới thiệu kho ảnh màu vô giá về Hà Nội trong triển lãm “Hà Nội sắc màu 1914–1917”, mà còn trân trọng gửi gắm hai bức do chính ông chụp bên Hồ Gươm năm 1979 cho thấy một Hà Nội bình dị, hồn hậu và bình yên đến chừng nào giữa những năm tháng hào hùng đó. Với những đóng góp này, hai ông đã đoạt giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội năm 2014.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng (Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội năm 2013) năm nay đã ngoài 80 tuổi với bức ảnh chụp tưởng như hết sức đơn giản, đời thường, nhưng với một tay máy “ma xó” ở Hà Nội, ông chuyển tải một thông điệp thú vị. Đó là trong những chiếc xe đạp rong chở hoa, quả phục vụ cuộc sống người Hà Nội hôm nay, dường như còn có cả… những chiếc xe thồ Điện Biên hơn 50 năm trước. Một sự “hồi sinh” của chiếc xe đạp giữa lấm láp đời thường sau nửa thế kỷ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội năm 2016) và cuốn “Hà Nội dấu yêu” (Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội 2017).
Cuộc triển lãm diễn ra là sự kết nối thành công, khơi dậy những ký ức, những tình cảm hết sức đẹp đẽ về Hà Nội, làm bùng cháy những dự định cống hiến cho Hà Nội vẫn đang ấp ủ.
Phố Lương Ngọc Quyến (1996). (Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo)
Một triển lãm không thể chuyển tải hết được những thành tựu của 10 năm Giải thưởng đến đông đảo công chúng, nhưng chính khâu chuẩn bị và tổ chức triển lãm này cũng mang một ý nghĩa nho nhỏ khi “đánh thức” và “kết nối” được những con người đang ở rất xa nhau và dường như chẳng có mối liên hệ gì với nhau, nếu không có cùng “tình yêu Hà Nội”.
Triển lãm sẽ tiếp tục được trưng bày tại sảnh của Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội tới hết ngày 17-8.
Theo Báo Nhân dân