Để truyền thông về dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) hiệu quả, cách tuyên truyền phải dung dị, đi sâu vào lòng người để người dân dễ nhớ và làm theo.
Đó là ý kiến của PV Thanh Thủy – VOV2 tại hội thảo "Đổi mới truyền thông về công tác DS-KHHGĐ" do Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp với Hội Nhà báo TP.Hà Nội tổ chức sáng nay (15.10) tại Hà Nội. Theo bà Thủy, hãy biến thông tin truyền thông thành các bài thơ, diễn ca để có thể đưa được xuống cả các đài phát thanh cấp phường. Như vậy, thông tin đi sâu và rộng, hiệu quả tuyên truyền cao.
Tuy nhiên, đó là lợi thế của báo nói. Đối với báo hình, báo viết, cần tìm phương pháp thích hợp để các chính sách không còn là những vấn đề khô cứng, khó nhớ.
Chia sẻ với quan điểm trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phú Xuyên còn cho rằng dù là tuyên truyền nhưng xin đừng nhắc đến chuyện đẻ nhiều vì người dân, nhất là ở nông thôn, coi đó là sự xúc phạm và họ không bao giờ nghe nữa. Hãy chỉ luôn nhắc họ rằng "gia đình ít con – gia đình hạnh phúc" – điều đó cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, "nói có sách, mách có chứng", cán bộ tuyên truyền phải chi tiết, kèm số liệu cụ thể và phù hợp với từng loại đối tượng, độ tuổi khác nhau.
Đa số đại biểu đều đồng tình với TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ – về tầm quan trọng của việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để công tác tuyên truyền thành công. Hiện nay, đối tượng đẻ nhiều không chỉ còn là người dân nông thôn với mong muốn có con trai mà còn là các gia đình giàu có ở thành thị. Do đó, truyền thông phải đúng hướng, trực tiếp đến đối tượng để họ thay đổi tư duy.