Tin tức - Sự kiện

Vang mãi Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946

Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/12/1946, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi đã thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi nghiên cứu về lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã khẳng định: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được viết ra trong một hoàn cảnh rất khẩn trương khi mà thực dân Pháp đã bộc lộ rõ dã tâm gây chiến và xâm lược bằng sức mạnh quân sự bất chấp các thỏa thuận trước đó.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu cảm nhận của mình về Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu cảm nhận của mình về Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 20/11/1946 đánh dấu sự thay đổi một cách rõ ràng trong chủ trương của giới cầm đầu chính trị và quân sự của Pháp ở Việt Nam, từ khiêu khích, lấn chiếm từng bước sang công khai tiến công, chiếm đóng những vị trí có tầm quan trọng về chiến lược ở miền Bắc. Trong ngày này, quân Pháp đã cùng lúc tạo cớ để nổ súng đánh chiếm hai cửa ngõ đường biển và đường bộ quan trọng nhất là thành phố cảng Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn. Sự kiện nghiêm trọng này diễn ra chỉ sau hơn hai tháng Việt Nam và Pháp ký bản Tạm ước (Modus Vivendi) ngày 14/9 và sau đúng một tháng kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước sau chuyến thăm Pháp dài ngày nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Ngày 16/12, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương họp tại Hải Phòng đã quyết định thực hiện “một năm đảo chính” về quân sự, đặt chính phủ Pháp tại Pari trước một sự đã rồi bằng việc gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây sức ép ngay tại Hà Nội. Thực dân Pháp gây ra vụ tàn sát dân thường ở phố Yên Ninh – Hàng Bún, liên tiếp gửi tối hậu thư buộc ta phải giao quyền giữ trật tự, trị an ở Hà Nội, buộc tự vệ, công an của ta phải giao nộp vũ khí … nếu không thực hiện, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động. Tất cả các động thái trên của chúng là nhằm ép ta đến mức không chịu được, phải nổ súng trước, để lấy lý do đó vu cáo chúng ta gây ra cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước.

Các chiến sĩ trẻ lắng nghe các nhân chứng lịch sử kể về những hồi ức hào hùng Ngày Toàn quốc kháng chiến
Các chiến sĩ trẻ lắng nghe các nhân chứng lịch sử kể về những hồi ức hào hùng Ngày Toàn quốc kháng chiến

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, vạch trần âm mưu và dã tâm xâm lược của thực dân pháp, kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946. Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến bắt đầu.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), tạo điều kiện để Trung Ương Đảng, Chính phủ rút về chiến khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu…. góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Với tinh thần chiến đấu quật cường, cùng với sự khôn khéo, với quyết tâm giành lại độc lập dân tộc, Thủ đô Hà Nội trở thành chiến trường khói lửa, phố phường thân yêu biến thành chiến lũy và mỗi người dân biến thành chiến sỹ. Từ những em nhỏ giao liên tuổi mới 13 thuở ấy như Trung tá Phùng Đệ, các cô gái chân yếu tay mềm như bà Lê Minh Thái, Lê Hồng Ngọc, Lê Phương Trâm đến các chàng trai vốn chỉ quen với đồng ruộng như ông Đỗ Văn Đa đều tham gia chiến đấu, giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố, giữ vững liên lạc giữa các đơn vị. Biết bao chàng trai, cô gái phơi phới thanh xuân đã không ngần ngại ghi tên xung phong vào tự vệ chiến đấu, tình nguyện trở thành những cảm tử quân. Ý chí đánh giặc của cả dân tộc mạnh hơn sắt thép và vũ khí chiến tranh của kẻ thù.
Sau 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút lực lượng địch, giam chân kẻ thù trong thành phố suốt 60 ngày đêm để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rút lui chiến lược thần kỳ từ Hà Nội về chiến khu Việt Bắc an toàn.
Ông Đỗ Văn Đa – chiến sĩ tự vệ xã Yên Lãng, một trong những người đã trực tiếp bắn phát đạn đầu tiên trong đêm 19/12/1946 nhớ lại: “Tôi nhớ như in, chiều 19/12/1946, anh Gia nói: các đồng chí ăn cơm sớm, sau đó ai ở vị trí nào vào vị trí ấy, chờ lệnh.

Ông Đỗ Văn Đa - chiến sĩ tự vệ xã Yên Lãng, một trong những người đã trực tiếp bắn phát đạn đầu tiên trong đêm 19/12/1946
Ông Đỗ Văn Đa – chiến sĩ tự vệ xã Yên Lãng, một trong những người đã trực tiếp bắn phát đạn đầu tiên trong đêm 19/12/1946 say sưa kể lại những hồi ức hào hùng của 70 năm về trước

Tối mùa đông rét đậm. Chúng tôi, những trai làng ngoại thành Hà Nội, quen làm ruộng trồng rau hơn cầm súng, đã vào vị trí nhưng rất hồi hộp, không thể hình dung được chiến sự sẽ ra sao. Đúng 20 giờ 3 phút, cả nội thành tối om, điện tắt, anh Gia dõng dạc hô khẩu lệnh: “Bắn!”. Lần đầu tiên, tôi được nghe “ông Voi” (Làng Láng Trung, nơi có “ông Voi” – tên gọi của nhân dân gọi khẩu pháo đặt tại đây) gầm dữ dội, tai ù đặc nhưng tôi vẫn không rời tay chuyển đạn lên mâm pháo. Ba loạt, 6 viên đạn pháo liên tiếp lao đi. Rét căm căm mà mồ hôi vã ra như tắm. Chúng tôi như trẻ nhỏ, sung sướng vui mừng không kể xiết khi trinh sát báo về pháo bắn vào quân địch trong nội thành đã trúng đích. Các mẹ các chị gánh cơm nước lên tiếp tế cho bộ đội cũng rất phấn khởi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi biểu dương càng làm cho chúng tôi thêm tự hào”.
Chiến công mở đầu của quân và dân Hà Nội mùa đông năm 46 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi và cổ vũ, động viên nhân dân cả nước kháng chiến lâu dài, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thúy Nga

(Mask)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *