Nhằm triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể với nội dung trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các thành viên trong gia đình hiểu và đăng ký thực hiện các tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình góp phần xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được Thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm từ năm 2019 vói các hoạt động cụ thể như: Tổ chức Lễ phát động và đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức; Tổ chức sinh hoạt cộng đồng về chủ đề các tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ngoài ra, việc tuyên truyền thực hiện Bộ Tiêu chí được thực hiện lồng ghép trong hoạt động mô hình, câu lạc bộ hoặc các hoạt động sinh hoạt đoàn thể tại địa phương như: mô hình phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ người cao tuổi….
Việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019 đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ Tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Kết quả của việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử năm 2019 – 2020 tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí trong những năm tiếp theo tiến tới triển khai áp dụng chính thức Bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước.
Tuy vậy, đối với một bộ phận nhân dân, việc đăng ký, thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đôi khi vẫn còn mang tính hình thức. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ Tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội; lối sống bảo thủ, lạc hậu, coi thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí; Nguồn lực cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí còn hạn chế.
Trong năm tiếp theo, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân về việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Bộ Tiêu chí. Tăng cường tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản về gia đình và các kỹ năng về truyền thông, vận động, tổ chức sinh hoạt mô hình, câu lạc bộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp.
Cùng với đó, Hà Nội cũng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, báo cáo kết quả tình hình thực hiện Bộ Tiêu chí. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí. Đồng thời tăng cường ngân sách, đơn giản hóa các thủ tục thanh quyết toán cho việc thực hiện Bộ Tiêu chí.
Trung Kiên