Ra mắt từ tháng 5 và tạo được cơn “sốt” trong dịp Quốc tế Thiếu nhi ở cả hai miền Nam, Bắc, giờ đây vở kịch “Tấm Cám” sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn phục vụ khán giả nhỉ Thủ đô trong dịp Trung thu 2019.
Vở kịch thiếu nhi “Tấm Cám” của Sân khấu Lệ Ngọc do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cố vấn nghệ thuật và được dàn dựng bởi đạo diễn Singapore Chua Soo Pong.
Câu chuyện Tấm Cám từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người đặc biệt là các em thiếu nhi. Tuy nhiên dưới góc nhìn và bàn tay dàn dựng của đạo diễn Chua Soo Pong, vở kịch Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc đã có một số thay đổi và điều chỉnh so với nguyên tác truyện cổ để mang đến cho khán giả những cảm nhận mới lạ, hấp dẫn riêng.
Cốt truyện của Tấm Cám được giữ nguyên. Vẫn là câu chuyện về nàng Tấm mồ côi, sống cùng dì ghẻ và Cám – cô em gái cùng cha khác mẹ. Vở kịch dẫn dắt người xem đến với nhiều chi tiết gần như ai cũng thuộc lòng. Đó là Tấm và Cám đi mò cua, bắt ốc rồi bị Cám lừa đổ hết giỏ sang cho mình đến những chi tiết như hai mẹ con Cám thường xuyên đối xử tệ bạc với Tấm, lừa Tấm chăn trâu đồng xa để bắt cá bống ăn thịt. Hay câu chuyện dì ghẻ bắt Tấm nhặt thóc trộn với gạo mới xong cho đi dự hội… Và có điều thú vị là mỗi lần gặp những điều không may, Tấm luôn được linh hồn của mẹ hiện lên trợ giúp. Trải qua nhiều kiếp nạn, Tấm chết biến thành chim vàng anh, quả thị… để rồi cuối cùng thì Tấm và Hoàng tử vẫn trở về được bên nhau.
Phần cuối vở diễn, Tấm không trả thù mẹ con Cám như trong nguyên mẫu mà đã xin hoàng tử tha tội để mẹ con Cám có cơ hội hoàn lương. Đây là chi tiết được đánh giá là nhân văn hơn cả trong vở diễn bởi thay vì Tấm làm mắm Cám gửi cho dì ghẻ thì ở đây chi tiết này được đổi bằng sự hối lỗi của hai mẹ con Cám cùng lời hứa sẽ làm nhiều việc tốt. Thông qua Tấm Cám, Sân khấu Lệ Ngọc muốn gửi gắm đến các em nhỏ thông điệp về tình mẫu tử và những bài học mang tính nhân văn, hướng con người tới cái thiện và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Vở kịch Tấm Cám được hoàn thiện, ra mắt khán giả từ trung tuần tháng 5 và tạo được cơn sốt trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 ở cả hai miền Nam, Bắc với nhiều đêm diễn chật kín khán giả. Dịp đó mỗi ngày Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn 3 suất, nhiều hôm không còn vé để bán và đã tạo được “cơn sốt” trong điều kiện nhiều sân khấu rơi vào cảnh vắng khách như những năm gần đây.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội do NSND Lệ Ngọc thành lập. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với các tác phẩm nổi bật như: “Ngũ biến”, “Kim Tử”, “Thị Nở – Chí Phèo”… Sau vở kịch tạo “cơn sốt” Tấm Cám, gần đây Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt vở diễn Huyền thoại gò Rồng Ấp cũng tạo được dấu ấn tốt trong lòng khán giả. Bên cạnh đó Sân khấu Lệ Ngọc cũng là đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các Liên hoan Sân khấu quốc tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc… Gần đây nhất, Sân khấu Lệ Ngọc cũng vừa có chuyến lưu diễn tại Bhutan theo lời mời của Quốc vương nước này vào cuối tháng 8 vừa qua.
Sau khi theo chân các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc tới đất nước “Hạnh phúc” Bhutan, trở về Việt Nam, vở kịch Tấm Cám tiếp tục tái ngộ khán giả Thủ đô Hà Nội vào các ngày 9, 10, 11/9/2019 tại Rạp Hồng Hà, 51 Đường Thành, Hà Nội. Chắc chắn, vở diễn sẽ là món quà tinh thần ý nghĩa dành cho các em thiếu nhi Thủ đô cũng các bậc phụ huynh trong dịp Trung thu 2019 này.
Huyền Chi
Theo MaskOnline