Phát biểu tham luận tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời tin tưởng, Đảng […]
Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Trà My |
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm:
10 năm qua là khoảng thời gian không dài nhưng Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo, tầm vóc, vị thế của Thủ đô được nâng cao. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Hạ tầng đô thị, giao thông từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp hiện đại ở đô thị trung tâm và các huyện ngoại thành, vùng xa trung tâm. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng. Văn hóa xã hội có tiến bộ. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.Cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bộ máy điều hành các cấp được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt yêu cầu bảo đảm ổn định chính trị; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; trật tự an toàn xã hội được giữ vững trong mọi tình huống; giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp, tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển thành phố.
Tuy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng có thể khẳng định sau 10 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Nhiều lo lắng, băn khoăn về sự thành công đặt ra trước và sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội dần được giải tỏa. Cán bộ, nhân dân Thủ đô phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, vào sự tổ chức, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Điều đó khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô.
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội:
Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội đã mở ra vận hội mới cho Thủ đô, nâng diện tích Thủ đô lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới. Điều quan trọng đối với văn hóa và tâm linh con người là Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời – Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận xung quanh.Thủ đô mới đã trở thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh của dân tộc, là địa phương giàu có nhất cả nước về di sản văn hóa, với 5.922 di tích, có 1 di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới; 12 di tích quốc gia đặc biệt và hơn 1.000 di tích quốc gia. Hà Nội cũng được xếp hàng đầu cả nước về việc tổng kiểm kê 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
Sau 10 năm, chúng ta vui mừng nhận thấy sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác vẫn được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh, cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất được nâng cao cùng với việc bồi đắp đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên một tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng văn hóa.
10 năm là quãng thời gian không quá dài so với lịch sử hàng nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội, nhưng chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác tổng hòa với nhau một cách tinh tế để hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất là văn hóa Thủ đô. Điều này khẳng định văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn):
10 năm qua, thành phố có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội… đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của nông dân.
Hội Nông dân xã Thanh Xuân hiện có 8 chi hội và hơn 1.200 hội viên. Hội xác định nội dung cơ bản là vận động hội viên nông dân phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, Hội phối hợp vận động nông dân hiến hơn 400m2 đất làm đường giao thông; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và kinh phí làm giao thông nội đồng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, các hội viên còn tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hội cũng xác định chọn mô hình rau hữu cơ làm hướng đột phá. 10 năm qua, đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây đã có sự cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân là 12 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đã đạt 39 triệu đồng/người/năm, diện mạo xã Thanh Xuân đang thay đổi từng ngày, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Có được những thành công dù còn khiêm tốn của Hội Nông dân xã Thanh Xuân hôm nay, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ, hội viên và nông dân, còn là thành công của chủ trương, nghị quyết, chính sách của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Qua đó đã khẳng định hướng đi đúng đắn của thành phố đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Chúng tôi mong muốn, để nông dân phát huy trí tuệ, tiềm năng trong phát triển và hội nhập, cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo thành phố; trọng tâm là đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ sản xuất; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cả trong sản xuất và quản lý sản xuất; có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có chính sách khuyến khích tích cực đội ngũ làm công tác Hội Nông dân các cấp…Trong niềm vui, phấn khởi và tự hào về những thành tựu của quê hương và thành phố sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, tôi càng ý thức rằng, là công dân của Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì mình phải cố gắng hơn, tích cực, trách nhiệm nhiều hơn nữa góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng xã Thanh Xuân ngày càng phồn vinh, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.