Âm nhạc

Xẩm Hà thành giữa nhịp sống đương đại

Với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã hồi sinh những làn điệu xẩm cổ, thổi hơi thở thời đại vào những sáng tác mới, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người trẻ…

Tìm lại xẩm xưa

          Nhóm Xẩm Hà Thành thành lập năm 2009 bởi nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa – người học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị Cầu và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long. Những ngày đầu mới ra mắt, nhóm nhận được sự cố vấn và tham gia với tư cách thành viên danh dự của một số nghệ sĩ gạo cội như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan… Đến nay, nhóm đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng: Văn Hải (đàn nhị), Phạm Trang (đàn bầu), Trân Hậu (sáo trúc), nhạc sĩ Giáng Son… Với tình yêu và niềm đam mê, các nghệ sĩ của Xẩm Hà thành đã cùng những bậc tiền bối nghiên cứu, phục dựng lại những làn điệu, bài bản hát xẩm cổ truyền Bắc bộ và Hà Nội. Nhiều bài xẩm vốn đã từng rất phổ biến nhưng thất truyền nhiều thập niên đã được nhóm dày công tìm tòi và phục dựng lại, tiêu biểu như: Xẩm Anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Xẩm phồn huê, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân… Đặc biệt, dòng xẩm Hà Nội với điệu xẩm đặc trưng được gọi là Xẩm Tàu điện đã hồi sinh, trở nên quen thuộc với công chúng hiện nay như: Lỡ bước sang ngang, Một quan là sáu trăm đồng, Cô hàng nước, Giăng sáng vườn chè, Nhất vui có chợ Đồng Xuân…

Xẩm Hà thành luôn nỗ lực hát xẩm sống, để xẩm nguyên bản nhất đến với khán giả. Hiện tại mỗi tuần nhóm đều đặn biểu diễn vào các tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật tại Khu di tích Tượng đài Vua Lê, trong không gian phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm. Nhóm còn có một sân khấu âm nhạc dân gian truyền thống mang tên “Tâm hồn làng Việt”, biểu diễn thường xuyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, phục vụ những người yêu văn hóa Việt Nam nói chung, âm nhạc Bắc bộ nói riêng và du khách quốc tế muốn khám phá văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc truyền thống.

          Những sáng tạo mới

Những năm gần đây, Xẩm Hà thành tập trung hướng tới khán giả trẻ bằng những bài xẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Có thể kể đến “Xẩm Trà đá” mang đậm tính thời sự với những vấn đề nhức nhối hiện hữu trong xã hội thời nay; “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” hay “Xẩm Tứ vị Hà thành” ngợi ca hương sắc thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, nét thanh lịch của người Hà Nội… Những tác phẩm này đều được nhóm Xẩm Hà thành đầu tư dàn dựng với hình thức video ca nhạc, phát hành trên trang mạng xã hội Youtube để xẩm có thể tiếp cận với nhiều khán giả trẻ trong thời đại số. Bên cạnh đó, Xẩm Hà thành cũng sáng tạo kết hợp giữa xẩm với các yếu tố nghệ thuật đương đại nhằm góp phần đưa xẩm tới đông đảo bộ phận công chúng trẻ. Năm 2015 trong liveshow “Xẩm và Đời”, nhóm đã kết hợp giữa xẩm với beatbox, hiphop trong tiết mục “Dứa dại không gai” với các nghệ sĩ Khương Cường (xẩm), Minh Kiên (beatbox), Hoa Đức Công (hip hop).

Không chỉ vậy, những nghệ sĩ tài năng của nhóm còn có thể nghiệm độc đáo khác. Đầu năm 2017, nhóm giới thiệu bài “Xẩm tương tư” với lời thơ trong tác phẩm “Tương tư” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Bính, dựa trên điệu xẩm Tàu điện đặc trưng của Hà Nội. Mới đây, nhóm Xẩm Hà thành còn lên ý tưởng về dự án dạy hát “Xẩm online” giống như cách người học học ngoại ngữ trên mạng Internet. Hiện nay, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng các thành viên trong nhóm đang tích cực thu thập dữ liệu để xây dựng giáo trình, thực hiện số hóa một số bản ký âm về xẩm.

Quảng bá âm nhạc dân tộc

Xẩm Hà Thành với thành viên là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ yêu thích và luôn nỗ lực phục hồi để nghệ thuật hát xẩm sống trong đời sống hôm nay, đồng thời góp phần để một nét đẹp của âm nhạc đường phố Hà Nội sống trong lòng công chúng Hà Nội, cũng như cả nước và được bè bạn quốc tế biết đến.

Nhóm Xẩm Hà thành thường xuyên nhận được lời mời của các tổ chức về giao lưu, nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung, hát xẩm nói riêng tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 2015, nhóm biểu diễn phục vụ bà con Việt Kiều nhân dịp Tết Nguyên đán theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp; thực hiện buổi giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Munich (Đức); Năm 2016, giao lưu, nói chuyện với sinh viên 2 trường đại học thuộc bang  New York (Mỹ); Năm 2017, nhóm tiếp tục nhận lời mời và tham gia nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại 4 trường Đại học nổi tiếng tại Mỹ, trong đó có đại học Havard, đại học Yale…

Cuối năm nay, Xẩm Hà thành lên kế hoạch ra mắt 2 sản phẩm video ca nhạc mới vào mùa thu và đón chào năm mới 2019. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã có kế hoạch chuẩn bị cho liveshow đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm, dự kiến tổ chức  vào dịp đầu năm mới 2019.

Với những đóng góp tích cực trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, nhóm Xẩm Hà thành đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam…

Bằng tình yêu với xẩm, những nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà thành đã không ngững nỗ lực tìm tòi, lưu giữ, sáng tạo và phát triển, đưa xẩm cũng như âm nhạc dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước.

Minh Trang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *