Ngày 5/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND về việc thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030”.
Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, hình thành phong trào học tập suốt đời thông qua mô hình “Công dân học tập” động viên, khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đinh và công dân trong xã hội được giam gia học tập thường xuyên, suốt đời; hướng tới công dân số, đáp dứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia góp phần xây dựng xã hội học tập.
Ảnh minh họa
Phấn đấu đến năm 2025: 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học trong Thành phố được học tập, quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 40% người lớn trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng trên địa bàn phường, quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu “Công dân học tập”; 70% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt sẽ là: 60% người lớn trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, 80% cán bộ, công chức, người lao động trong “Đơn vị học tập” phường, quận, Thành phố được công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” phải có những kỹ năng số đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND Thành phố yêu cầu nghiên cứu, áp dụng Bộ tiêu chí “Công dân học tập” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành, đảm bảo tính khả thi trong triển khai đại trà xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên mọi lĩnh vực công tác, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập”; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập”, trong thời kỳ chuyển đổi số; Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng, thúc đẩy, nhân rộng mô hình “Công dân học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập…
UBND Thành phố giao Hội Khuyến học Thành phố tập huấn, hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp chủ động tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả. Các Sở, ban, ngành lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với triển khai thực hiện các chương trình, đề án khác liên quan (xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…); Phối hợp với Hội Khuyến học Thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, ngành có trách nhiệm cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị được học tập suốt đời, phấn đấu trở thành “Công dân học tập”; coi đây là một trong các chỉ tiêu thi đua, đánh giá xếp loại lao động hàng năm.
Phương Uyên