Văn hóa

Xây dựng nếp sống văn minh vùng đồng bào dân tộc huyện Ba Vì

Huyện Ba Vì nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội với dân số trên 27 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm số lượng không nhỏ. Do đó, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì […]

Huyện Ba Vì nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội với dân số trên 27 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm số lượng không nhỏ. Do đó, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì ngày càng được phát huy nhằm thực hiện đúng chủ trương về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ.

Xây dựng nếp sống văn minh vùng đồng bào dân tộc có bước chuyển mới

Huyện Ba Vì là nơi sinh sống của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao và một số dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện có khoảng gần 25 nghìn người, sống chủ yếu ở 7 xã miền núi. Trong đó, người dân tộc Mường chiếm trên 90%. Ba Vì là địa phương có nhiều danh làm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và là vùng đất mang đậm nét văn hóa Việt cổ (văn hóa Việt – Mường), trong đó phải kể đến văn hóa cồng chiêng, hát ru, ném còn, múa hát sênh tiền, sắc bùa… của dân tộc Mường; múa chuông, tết nhảy… của đồng bào dân tộc Dao. Nhìn chung, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc huyện Ba Vì.

Theo ông Nguyễn Việt Giao, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì, việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện Ba Vì đã được đồng bộ thực hiện từ năm 1998, được nhân dân hưởng ứng tích cực, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong việc cưới, trước đây tục lễ cưới cũ rất rườm rà như: Thách cưới bằng bạc trắng hoa xòe, giết trâu, mổ lợn mang lễ đi nhà gái; tục cưới tảo hôn… Nhưng kể từ khi cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn  minh” đi vào cuộc sống, đến nay, đồng bào dân tộc đã bỏ hẳn những tục lệ không phù hợp. Các đám cưới thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã; các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức đơn giản, vui vẻ, lành mạnh. Các đám cưới không còn mời khách tràn lan, việc tổ chức tiệc cưới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình, lệ ăn cỗ cả làng như trước kia cũng được xóa bỏ.

Tương tự trong việc mừng thọ, hiện đồng bào đã duy trì hình thức gặp mặt chúc mừng, tặng quà, chụp ảnh lưu niệm… cho các cụ đến tuổi mừng thọ tại Nhà văn hóa thôn và thống nhất quy định thời gian để gia đình, con cháu chúc thọ ông, bà, cha, mẹ. Hầu hết các cụ vận động con cháu trong gia đình không tổ chức khao thọ mà chỉ mừng thọ trong phạm vi gia đình, con cháu, không mời khách ăn uống linh đình, dài ngày. Ông Nguyễn Việt Giao, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì cho biết, chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Ba Vì không chỉ dừng lại ở việc cưới, mừng thọ mà còn phải kể đến sự thay đổi trong thực hiện việc tang. Đặc biệt đối với đồng bào Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì, đây là một kết quả tích cực. Khi gia đình có việc tang, không còn tục mời thầy cúng về cúng 2 – 3 ngày, đội khăn tang đi mời khắp làng… Việc tang của của đồng bào Dao hiện chỉ làm trong một ngày, có sự giúp đỡ của chính quyền thôn, đoàn thể. Các đám tang đều đã xóa bỏ thủ tục rườm rà, lạc hậu.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì

 Trong việc tổ chức, quản lý lễ hội, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã có những tiến bộ tích cực. Ba Vì hiện có 45 di tích văn hóa lịch sử, đặc biệt, cụm di tích Đền Hạ – Đền Trung – Đền Thượng thuộc quần thể di tích Tản Viên Sơn cũng đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ngoài những di tích lịch sử nổi tiếng của huyện, các xã miền núi Ba Vì còn tự hào là địa danh gắn liền với truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, mang đậm nét văn hóa Việt cổ (văn hóa Việt – Mường)… Cùng với thế mạnh có nhiều di tích, công tác tổ chức lễ hội cũng được chuẩn bị chu đáo về nội dung, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân, không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bói toán tại khu vực tổ chức lễ hội.

 

Có thể nói, để đạt được kết quả trên là do sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là sự giám sát chặt chẽ của MTTQ các cấp. Phát huy những kết quả đã đạt được UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong đời sống nhân dân. Gắn Cuộc vận động với phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới” để các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội được người dân tự giác thực hiện. Đồng thời những cách làm mới mang đậm nét văn hóa truyền thống và đặc trưng của đồng bào dân tộc vẫn đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân.

                                                                                                Nghi Dung

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *