Di sản

Xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa.

Việc xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa với mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, biến mất di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm công tác di sản trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Việc xây dựng Quy tắc ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa với mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa. Ảnh: Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách trải nghiệm tour đêm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Di sản văn hóa là đơn vị thường trực của Tổ Soạn thảo Quy tắc ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa, có trách nhiệm: chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai xây dựng Quy tắc ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa theo Kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Theo đó, dự kiến trong tháng 11 này, đơn vị sẽ xây dựng đề cương chi tiết, hoàn thiện dự thảo Quy tắc xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương chịu tác động và các đơn vị cá nhân liên quan. Tháng 12 sẽ xin ý kiến Vụ Pháp chế, hoàn thiện dự thảo Quy tắc để trình lãnh đạo Bộ xem xét.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu việc xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa phải đảm bảo tính khách quan, chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền của địa phương và điều kiện thực tiễn của từng khu vực.

H.A

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *